Người có công phát triển chiếc Sony Walkman đầu tiên là Kozo Ohsone, quản lý bộ phận Tape Recorder Business Division của Sony, và các cộng sự của ông, dưới sự giám sát và chỉ đạo của Ibuka và Morita. Vào năm 1963, Philips Electronics phát triển và cho ra đời loại hình lưu trữ mới là băng từ (cassette). Sau khi Philips đăng ký bản quyền, công nghệ này được cung cấp miễn phí cho tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Sony và các hãng khác bắt đầu thiết kế các mẫu máy đọc băng từ nhằm khai thác lợi thế to lớn của băng cassette: đó là có kích thước nhỏ gọn.
Chiếc Sony Walkman thực ra chính là 1 phiên bản nâng cấp stereo của chiếc Pressman đời đầu, 1 trong những mẫu máy đọc và thu băng từ mono từng được Sony giới thiệu vào năm 1977. Đi cùng với sự ra đời của Sony Walkman cũng là chiếc tai nghe huyền thoại H-AIR MDR3 luôn được kèm theo máy khi mua. Lợi thế của MDR3 là có trọng lượng rất nhẹ, dĩ nhiên là nếu so với những chiếc tai nghe khác thời đó luôn có khối lượng luôn vào khoảng 300g ~ 400g. H-AIR MDR3 thì chỉ nặng 50g nhưng lại cho chất lượng âm thanh tương đồng với chúng.
Janet Jackson trong chiến dịch quảng cáo cho Sony Walkman, 1987
Sony Walkman được giới thiệu lần đầu tiên ở Tokyo vào ngày 22/6/1979. Tính đến năm 1995, doanh số bán ra của Sony Walkman đã lên đến 150 triệu chiếc. Cho đến nay trên thị trường cũng đã có hơn 300 mẫu Sony Walkman khác nhau, cực kỳ đa dạng phải không?
Nếu xét về mặt công nghệ, chiếc Sony Walkman thực ra có thiết kế phần cứng không quá mới mẻ, cơ bản vẫn là 1 đầu đọc băng từ. Tuy công nghệ không mới, nhưng điều làm chiếc Walkman nổi tiếng chính là sự tiện dụng khi sở hữu thiết kế nhỏ gọn cầm tay. Sony Walkman dường như không được phát triển dành riêng cho nhu cầu sử dụng cao cấp nào mà hướng thẳng đến người dùng đại trà, và đây là hướng tiếp cận cực kỳ tuyệt vời.
Do kích thước nhỏ gọn của mình, chiếc Walkman phải sử dụng các bán dẫn thay vì thiết kế bóng chân không truyền thống. Điều này khiến cho chất âm của nó nghe sạch và “lạ” hơn, cũng là điều khiến người ta hiếu kỳ. Nếu chiếc Pressman được Sony giới thiệu là dành cho giới phóng viên đi săn tin, thì chiếc Walkman hướng đến người dùng nghe nhạc giải trí.
Trên thị trường lúc đó cũng có những mẫu microcassette tuy nhiên không thông dụng, chủ yếu là do ít được hỗ trợ bởi hãng sản xuất và giá thành cũng đắt hơn nhiều. Người dùng không có tùy chọn nghe nhạc nào khác ngoài việc nghe bằng dàn máy ở nhà hoặc nghe trong xe hơi. Chiếc Sony Walkman chính là “cứu cánh” cho nhu cầu trên.
Sản phẩm máy nghe băng cassette đầu tiên được Sony tung ra thị trường vào năm 1978 là TC-D5. Sản phẩm này có lợi thế là cực kỳ dễ sử dụng và cho chất âm hay hơn so với phần lớn các đầu chơi nhạc để bàn. Giá của nó tuy nhiên khá chát, trong khoảng 300.000 JPY, và cũng có kích thước khá to khó có thể mang theo bên mình 1 cách thuận tiện được.
Nhìn thấy khuyết điểm này, quản lý Kozo Ohsone và nhóm của mình đã ngày đêm nghiên cứu và cuối cùng phát triển thành công mẫu máy nghe nhạc mới nâng cấp từ Pressman. Sản phẩm mới có giá chỉ khoảng 35.000 ~ 40.000 JPY tuy nhiên cho chất âm hay hơn nhiều với người tiền nhiệm (do là stereo thay vì mono). Bí quyết ở đây chính là việc Kozo Ohsone quyết định sử dụng những linh kiện giá rẻ hơn, và “nhét” chúng vào vỏ máy kiểu mới nhỏ nhắn và thời trang hơn.
Vấn đề còn lại là chiếc máy chưa có tên gọi chính thức. Ohsone đề xuất cái tên “Walkman” lấy cảm hứng từ Pressman tuy nhiên không được sự đồng tình từ ban quản lý cấp cao, Điều này là do nghe nó giống như được “dịch nguyên bản” tiếng Nhật và có thể làm trò cười. Các tên khác (như Walky) bắt đầu được đề xuất nhưng cuối cùng Walkman đã được chọn. Sự độc đáo từ chính cái tên đã giúp Walkman gây ấn tượng trong lòng công chúng.
Sony MZ-E2, 550$ vào năm 1993
Như nói trên, chiếc tai nghe đi kèm máy Sony tuy có thiết kế nhẹ hơn nhiều so với các mẫu tai nghe thời đó nhưng nói chung thì vẫn to, chủ yếu là do earpad trùm tai và headband, có thể gây bất tiện khi mang theo. Ba năm sau, Sony thiết kế và trình làng chiếc tai nghe mới cho Walkman, sở hữu thiết kế nhỏ gọn hơn nữa và có khối lượng cũng vào khoảng 50g.
Sony quảng bá máy Walkman bằng cách thuê 1 nhóm gồm những người trẻ tuổi dạo quanh khu Ginza và mời người qua đường nghe thử chất âm tuyệt vời của máy. Thay vì tổ chức họp báo chính quy để giới thiệu sản phẩm, Sony chọn phương án sử dụng các chuyến xe bus có mời các diễn viên nổi tiếng, chở các phóng viên dạo quanh phố phường. Phóng viên sẽ được nghe lại tour quảng bá đã được thu sẵn để thưởng thức chất âm của máy Walkman.
Một tháng sau, máy Walkman bắt đầu xuất hiện trong các cửa hàng âm thanh và nhanh chóng cháy hàng. Hơn cả dự đoán từ Sony là chỉ giới trẻ mới quan tâm đến Walkman, chiếc máy này hầu như được sử dụng bởi khách hàng ở tất cả mọi độ tuổi.
Có 1 chi tiết vui là khi chiếc Walkman tấn công thị trường châu Âu và Mỹ, nó được quyết định đổi tên thành Freestyle (cho thị trường Thụy Điển), Storaway (cho thị trường Anh) và Soundabout (cho thị trường Mỹ). Tuy nhiên giới trẻ ở đây bị ấn tượng và thích cái tên Walkman hơn, do đó tên gọi được giữ như cũ.
Nhiều người thắc mắc và tiếc rẻ vì sao chiếc máy Walkman lại thiếu đi tính năng thu âm, tuy nhiên Sony hoàn toàn có lý do cho quyết định này. Chiếc Pressman, tiền thân của Walkman, có tính năng thu âm là do nó được phát triển dành cho giới phóng viên săn tin, còn Walkman chỉ hướng đến người dùng nghe nhạc, và hiếm ai trong số họ cần đến tính năng thu âm. Thêm vào đó, 1 chiếc máy có quá nhiều tính năng dư thừa sẽ làm nó khó sử dụng hơn, đồng thời bắt buộc phải tăng giá thành, và Sony không muốn điều đó xảy ra.
Vào giai đoạn đó, doanh số bán ra của những chiếc máy thu âm cassette cầm tay chỉ trung bình 15.000 chiếc mỗi tháng. Sony mạnh tay cho sản xuất 30.000 chiếc Walkman trong đợt đầu tiên, và với mô hình quảng bá cực kỳ thông minh, tất cả chúng nhanh chóng hết veo trong các cửa hàng đồ chơi âm thanh. Đó là chưa kể đến việc sau đó các nhà máy của Sony còn phải sản xuất cật lực để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng mới.
Có thể thấy chiếc Walkman đã tạo ra cả 1 thị trường mới dành riêng cho các thiết bị âm thanh stereo cầm tay. Tháng 6/1989, doanh số của Walkman đạt 50 triệu máy bán ra, và đến năm 1992 đạt 100 triệu máy bán ra. Năm 1995, Walkman đạt cột mốc mới với 150 triệu máy bán ra. Nếu tính cả phiên bản kỷ niệm 15 năm, hiện trên thị trường đang có khoảng trên dưới 300 mẫu Sony Walkman đa dạng cho người dùng lựa chọn.
Đến nay thì cũng vậy, Sony Walkman vẫn ra đời các model mới, càng ngày càng cao cấp hơn về chất lượng âm thanh, điển hình là các model máy nghe nhạc WM-1Z, WM-1A đã ra mắt hồi 2 năm trước.
Nguồn: Theo tinhte.vn