10 Điểm Mới Về Đăng Ký Nhãn Hiệu, Kiểu Dáng, Sáng Chế Áp Dụng Năm 2023

Bởi Elite Law Firm

Elite: Kể từ ngày 23/08/2023, Nghị định 65/2023 có hiệu lực, bạn có thể nhận được những lợi ích nổi bật như sau:

  1. Khi bạn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bạn có thể được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền dưới dạng file điện tử ngoài Văn bằng bảo hộ dạng giấy như trước;
  2. Bạn có thể đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu ba chiều;
  3. Bạn còn có thể đăng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho một phần hình dáng của sản phẩm cùng với việc bảo hộ toàn bộ thiết kế hình dáng bên ngoài của sản phẩm như trước đây.

Ngoài ra, Nghị định mới này cũng bổ sung các quy định mới liên quan đến: thời hạn phản đối đơn đăng ký, danh mục lĩnh vực kỹ thuật các sáng chế mật mà các tác giả sáng chế Việt Nam cần bảo hộ tại Việt Nam trước khi đăng ký ra nước ngoài cũng nhiều điểm mới khác.

– Elite Law Firm xin trân trọng giới thiệu 10 điểm mới nổi bật liên quan đến thủ tục xác lập quyền quyền sở hữu công nghiệp trong Nghị định này tới Quý khách hàng như sau:

Thay đổi mẫu tờ khai đăng ký bảo hộ, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế

Các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ và hướng dẫn khai tờ khai được quy định tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định để thay thế các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ và hướng dẫn tương ứng theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN trước đó. Theo đó, các mẫu tờ khai mới cho phép người nộp đơn lựa chọn nhận văn bằng bảo hộ dưới dạng giấy hoặc điện tử; bổ sung nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu 3 chiều vào loại nhãn hiệu có thể đăng ký.

Bổ sung quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế

Thủ tục và phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế được quy định tại Điều 14 và Phụ lục VII của Nghị định. Bao gồm danh sách sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh quốc phòng; quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động tới an ninh quốc phòng.

Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

a. Người nộp đơn được yêu cầu sửa đổi thông tin bao gồm mã nước, địa chỉ tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp.

b. Trường hợp người nộp đơn tự sửa đổi đơn trước khi chấp nhận hoặc khi đơn bị từ chối, thông qua thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, có thể nộp văn bản yêu cầu sửa đổi thay vì nộp Tờ khai sửa đổi.

c. Sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, đặc thù sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không cần kèm thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi.

d. Trong trường hợp sửa đổi tên, quốc tịch tác giả, tên tổ chức, người nộp đơn cần nộp tài liệu chứng minh và tuyên bố thay đổi đại diện nếu cần.

Quy định tách đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp

a. Yêu cầu tách đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ được chấp nhận trong trường hợp tách một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ (Điều 17.1.a);

b. Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu (Điều 17.1.c).

Bổ sung quy định rút đơn đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế

Nghị định bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn có thể khắc phục thiếu sót (Điều 17.2.b2).

Thủ tục đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế

Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có nguồn gốc Việt Nam và có chỉ định Việt Nam được quy định từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định. Bao gồm các quy định về: định nghĩa đơn La Hay, quy trình xử lý đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam, quy trình xử lý đơn La Hay có chỉ định Việt Nam.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Các yêu cầu đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ và quy định về các tài liệu phải nộp nếu lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ (Điều 26.3).

Cấp văn bằng bảo hộ dạng điện tử

Bổ sung quy định về việc cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng điện tử hoặc văn bằng bảo hộ dưới dạng giấy. Đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế nộp từ 23/8/2023 ngày nghị định này có hiệu lực trở đi, văn bằng bảo hộ dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn thể hiện yêu cầu trong Tờ khai (Điều 29.1).

Thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ

a. Yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên văn bằng bảo hộ được chấp nhận nếu đáp ứng điều kiện: (i) chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) và (ii) không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu (điểm a khoản 3 Điều 29 của Nghị định);

b. Thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được áp dụng tương tự như thủ tục cấp lại hoặc cấp phó bản văn bằng bảo hộ (Điều 29.8).

Thủ tục liên quan đến sáng chế mật

Các thủ tục liên quan đến sáng chế mật được quy định tại Điều 48 đến Điều 52 của Nghị định. Các quy định bao gồm: đơn đăng ký sáng chế mật, các thủ tục liên quan đến sáng chế mật, xử lý đơn sáng chế mật…

Kết luận

Các quy định mới của Nghị định 65/2023 đóng góp tích cực vào việc bảo vệ tài sản trí tuệ và đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế. Hi vọng rằng sự thực thi hiệu quả Nghị định sẽ đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và nâng cao tính cạnh tranh của thị trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Tag: Bài viết nổi bật, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN

ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG

Bình luận bài viết

X
Contents