BẢN TIN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THÁNG 9/2020

ELITE gửi tới Quý độc giả Bản tin Sở hữu trí tuệ tháng 9/2020

1.Dự kiến tháng 11/2020 công bố dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thực hiện chỉ đạo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự án Luật) đã chính thức họp phiên thứ nhất ngày 01/9/2020 và thống nhất tiến độ triển khai các công việc để có thể công bố dự thảo Luật vào tháng 11 năm 2020 để lấy ý kiến rộng rãi.

Về tiến độ xây dựng, các thành viên cũng đã trao đổi và thống nhất về việc để kịp thời hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ trong tháng 6/2021 theo phân công nhiệm vụ cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời, để bảo đảm tuân thủ quy trình xây dựng luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật cần nhanh chóng hoàn thiện để có thể công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các cơ quan chủ trì trong tháng 11/2020 để lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là ý kiến của các doanh nghiệp và các tổ chức chịu tác động trực tiếp của việc sửa đổi luật trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định (dự kiến vào tháng 4/2021) và trình Chính phủ. 

2.Thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua, với các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) cao hơn so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trước đây. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của các chủ thể quyền SHTT. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các kế hoạch thực hiện những cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA.

Một trong những nội dung nổi bật của Hiệp định EVFTA là 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở châu Âu với tiêu chuẩn cao và không phải qua thủ tục đăng ký SHTT ở nước sở tại. Ðể đẩy mạnh hoạt động thương mại cho nông sản Việt Nam, nhiều năm qua, Cục SHTT đã phối hợp một số cơ quan, nhất là các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các địa phương. 

Phần lớn các cam kết về SHTT trong Hiệp định phù hợp pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của châu Âu với mức độ bảo hộ cao, như mức mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý rượu vang và rượu mạnh. Ngoài ra, phải có cơ chế đền bù thỏa đáng cho chủ sở hữu sáng chế là dược phẩm khi cơ quan nhà nước chậm trễ cấp phép lưu hành dược phẩm đó

3.    Website thương mại điện tử sẽ bị phạt tiền, thu hồi tên miền nếu kinh doanh hàng giả, hàng cấm

Mới đây, Nghị định 98 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được ban hành đã có nhiều nội dung mới được bổ sung nhất là trong lĩnh vực quản lý thương mại điện tử. Mức phạt cho các hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng cấm nâng cao nhiều lần, cao nhất là 50 triệu đồng. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Nghị định mới quy định từng mức xử phạt cụ thể với các nhóm hành vi như: Thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; Vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Nguồn: http://ipvietnam.gov.vn/

 

Bình luận bài viết

X