Bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài – Lưu ý nào cho doanh nghiệp?

Nguồn: Báo Tiền Phong 

Trước câu chuyện bảo hộ thương hiệu của gạo ST25, chúng ta đã chứng kiến không ít các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã phải tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để giành lại thương hiệu hoặc thậm chí là mất thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Vậy, đâu là lưu ý cho doanh nghiệp Việt trong việc bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite xung quanh vấn đề này.

Xin chào Luật sư Nguyễn Trần Tuyên!

PV: Thưa Luật sư, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài đang là một trong những mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Việt, nhất là sau câu chuyện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của gạo có tên gọi “ST25” vừa qua. Vậy, nếu không đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường nước ngoài, các DN xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối diện với những thiệt hại, rủi ro gì, thưa Ông?

Thứ nhất, khi nhãn hiệu của doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ bị doanh nghiệp/cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước đó trước và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối diện rủi ro về mất quyền tài sản về nhãn hiệu/mất quyền độc quyền nhãn hiệu của mình đối với sản phẩm/dịch vụ của mình ở nước đó.

Thứ hai, từ sự việc bị mất nhãn hiệu này dẫn đến khả năng doanh nghiệp xuất khẩu bị đối mặt với nguy cơ bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu khi nhập khẩu, bán sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành xử lý xâm phạm như: ngăn chặn việc nhập khẩu ngay tại các cảng hoặc cửa khẩu biên giới, cấm việc kinh doanh sản phẩm gắn nhãn hiệu đó trên thị trường bất cứ lúc nào và đứng trước nguy cơ bị kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây ra.

Thứ ba, khi không đăng ký bảo hộ tại nhãn hiệu tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu có thể đối diện khả năng bị mất hoàn toàn thị trường nước ngoài đó cho sản phẩm, hàng hóa gắn nhãn hiệu nếu doanh nghiệp không đổi nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu mới khác tại quốc gia đó. Trên thực tế, việc mất nhãn hiệu thường dẫn đến hậu quả mất thị trường của sản phẩm gắn nhãn hiệu.

Bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài – Lưu ý nào cho doanh nghiệp? ảnh 1

Thứ tư, trong trường hợp nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước ở nước ngoài cũng sẽ gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp khi phải giải quyết tranh chấp, tiến hành các thủ tục khiếu nại, hủy bỏ hiệu lực để lấy lại nhãn hiệu của mình tại nước đó, như phí tư vấn, thuê luật sư đại diện trước cơ quan đăng ký nhãn hiệu và/hoặc luật sư đại diện tại tòa cũng như các chi phí truyền thông khác.

Vì vậy, rủi ro và thiệt hại trong trường hợp bị mất nhãn hiệu là vô cùng lớn cho doanh nghiệp khi doanh doanh tại nước đó.

PV: Rõ ràng, lợi ích cũng như rủi ro, thiệt hại là hiện hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, không ít các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã vướng vào những tranh chấp về thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Vậy, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là gì, theo Luật sư?

Thứ nhất, do các doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài cũng như giá trị pháp lý của quyền độc quyền nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh. Do doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đánh giá đúng về hậu quả nghiêm trọng của việc bị mất nhãn hiệu ở nước ngoài trước khi tiến hành kinh doanh tại nước đó, dẫn đến tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thứ hai, việc đăng ký này thường đòi hỏi một khoản chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp khi phải thuê luật sư, các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài cho mình. Điều này bởi vì các quy định pháp luật về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài khá phức tạp và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng hiểu rõ và tự mình thực hiện được. Do thủ tục pháp lý khá phức tạp, đòi hỏi sự tin cậy và tránh rủi ro cho doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng như luật của hầu hết các nước đều quy định rằng việc nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của cá nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài thì bắt buộc phải thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được công nhận ở nước đó thực hiện dựa trên giấy ủy quyền. Ngoài luật lệ, ngôn ngữ nước sở tại luôn là một rào cản cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt thường không coi khoản phí này là chi phí đầu tư bắt buộc cho hoạt động kinh doanh và là điều kiện bắt buộc để tham gia “sân chơi”, thị trường ở nước ngoài nên các doanh nghiệp thường có xu hướng cắt giảm khoản chi phí đầu tư bắt buộc này.

PV: Vậy, từ thực tiễn hoạt động tư vấn vềsở hữu trí tuệ, Ông có lưu ý gì cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài, thưa Luật sư?

Thứ nhất, vì nhãn hiệu cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ như giống cây trồng, là tài sản trí tuệ của cá nhân và doanh nghiệp tạo ra nó và chỉ có thể được xác lập quyền trên cơ sở đăng ký, nên việc chủ động đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp nên tiến hành thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài để nắm thế chủ động trong kế hoạch kinh doanh tại nước ngoài.

Bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài – Lưu ý nào cho doanh nghiệp? ảnh 2

Thứ hai, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như đăng ký nhãn hiệu với mục đích là xác lập quyền sở hữu cho chính doanh nghiệp (quyền tư hữu), là bước quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) cho chính nên nó phải là trách nhiệm, công việc của chính doanh nghiệp, chứ không phải ai khác. Do đó, các các doanh nghiệp, cá nhân cần chủ động thực hiện việc đăng ký, không ỷ lại, trông chờ vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nhà nước nào khác.

Thứ ba, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, thời gian và chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi xảy ra tranh chấp luôn ít và tiết kiệm hơn thời gian và chi phí cho việc giải quyết tranh chấp để lấy lại quyền sở hữu trí tuệ.

Và cuối cùng, đăng ký bảo hộ thương hiệu/nhãn hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ là việc tạo dựng công cụ bảo vệ thị phần và là công cụ marketing hữu hiệu để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

Keywords: bảo hộ thương hiệu, bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, ST25, bảo hộ thương hiệu bền vững, nhanhieu, baohothuonghieutaithitruongnuocngoai, baihocchodoanhnghiepxuatkhauhanghoa, baohothuonghieubenvung
Bình luận bài viết

X