Tầm quan trọng của việc xác lập, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

By Nguyễn Trần Tuyên – Luật sư, Giám đốc Công ty Luật TNHH ELITE (ELITE LAW FIRM)

Điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp thành công trên thị trường ngày nay là doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt và vượt trội về giá trị, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ của mình. Để tạo sự khác biệt và vượt trội về giá trị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ này, các doanh nghiệp thường phải dựa vào hoạt động sáng tạo để giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Các hoạt động sáng tạo này tạo ra các tài sản vô hình có giá trị của doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ, gồm: bản quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật thương mại,

Khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có những quyền sau:

1) Thứ nhất, quyền ngăn cấm, xử lý người khác sao chép sản phẩm hoặc sử dụng trái phép thành quả sáng tạo của mình;

2) Thứ hai, quyền SHTT cho phép doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đưa sản phẩm ra thị trường một cách an toàn;

3) Thứ ba, quyền SHTT tạo ra uy tín thương hiệu và lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường nhằm nâng cao doanh số bán hàng;

4) Thứ tư, quyền SHTT tạo ra doanh thu (ổn định, thu nhập bị động) cho doanh nghiệp từ hoạt động khai thác quyền SHTT như li-xăng (cho thuê quyền sử dụng), Franchise/nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHTT.

Khi Doanh nghiệp không kịp thời xác lập, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của mình, họ sẽ phải đối diện với các rủi ro pháp lý sau:

1. Thứ nhất, có thể bị Đối thủ cạnh tranh “đánh cắp” tài sản trí tuệ có được từ hoạt động đầu tư bằng rất nhiều trí tuệ, thời gian và chi phí của họ;

2. Thứ hai, Doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường sẽ gặp rất nhiều rủi ro pháp lý: có thể bị xử lý hoặc kiện tụng về xâm phạm quyền SHTT;

3. Thứ ba, Doanh nghiệp có thể bị mất cơ hội tạo ra uy tín thương hiệu và lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường;

4. Thứ tư, Doanh nghiệp bị mất cơ hội có được doanh thu từ hoạt động khai thác quyền SHTT như li-xăng (cho thuê quyền sử dụng), Franchise/nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHTT.

Tình huống thực tiễn khi Doanh nghiệp không tiến hành xác lập, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ kịp thời

Vụ cà phê Trung Nguyên bị mất thương hiệu/nhãn hiệu tại Hoa Kỳ do đối tác lấy nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trước và Trung Nguyên phải mất hơn 2 năm mới lấy lại được quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu của mình tốn rất nhiều chi phí và đặc biệt là cơ hội kinh doanh, không bán hàng được tại thị trường Mỹ đã bị mất đi mà không lấy lại được.

Hay mới trong năm nay, Vụ việc gạo dấu hiệu ST25, giống gạo Việt Nam đã được bảo hộ là giống cây trồng mới, được giải thưởng danh giá “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu cũng đang bị một số Công ty tại Mỹ tự ý lấy nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trước. Hiện nay, DN của kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn phải đang vất vả trong cuộc chiến giành lại Thương hiệu của mình tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng và chúc cho kỹ sư Hồ Quang Cua chiến thắng trong cuộc chiến này.

Đó là những ví dụ, bài học thực tế cảnh tỉnh doanh nghiệp trong việc chậm tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp trong SX và kinh doanh.

Keywords: Tầm quan trọng của việc xác lập, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, Tình huống thực tiễn khi Doanh nghiệp không tiến hành xác lập, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ kịp thời

Bình luận bài viết

X