Tổng hợp bởi: ELITE LAW FIRM
ELITE LAW FIRM tổng hợp các thông tin về Sở hữu trí tuệ cập nhật tháng 6/2021. Mời quý khách hàng và quý bạn đọc theo dõi bản tin dưới đây:
1. Liên tiếp kiểm tra triệt phá các kho hàng giả tại nhiều địa phương
Cục Quản lý thị trường các địa phương liên tiếp phát hiện và kiểm tra triệt phá nhiều kho hàng giả, hàng nhái tại Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam…
Triệt phá kho hàng giả, hàng nhái lớn nhất từ trước đến nay tại Ninh Bình
Kho hàng với đủ các sản phẩm từ dân dụng, gia dụng, tiêu dùng chủ yếu là hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng nhập lậu với diện tích khoảng 1.000m2 đóng tại tỉnh Ninh Bình vừa bị Cục Quản lý thị trường Ninh Bình triệt phá. Đây là kho hàng vi phạm lớn nhất từ trước đến nay tại Ninh Bình.
Kho hàng giả chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Ghi nhận trên hệ thống bán hàng giả của cơ sở, mỗi video livestream trên Facebook có khoảng 5.000 view và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Lật tẩy kho hàng giả nhập lậu lớn tại Hà Nội
Hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream bán hàng vừa bị Cục QLTT Hà Nội phát hiện và thu giữ ngày 30/3.
Tất cả các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu. Khi làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, channel, LV, Adidas, cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện,…
Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.
Hà Nam bắt quả tang cơ sở sản xuất quần áo giả hàng hiệu
Một cơ sở đang sản xuất hàng nghìn sản phẩm quần áo thời trang nam có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hàng thời trang nổi tiếng như “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” vừa bị lực lượng QLTT Hà Nam bắt quả tang và thu giữ.
Ngày 30/3/2021, Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam thực hiện kiểm tra đột xuất Xưởng sản xuất quần áo thuộc Doanh nghiệp tư nhân Sử Hằng tại tỉnh Hà Nam, do ông Trần Trọng Sử là chủ cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang tổ chức sản xuất quần áo thời trang nam các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đoàn kiểm tra sau đó đã ra quyết định tạm giữ hơn 5.000 thành phẩm là quần áo thời trang nam các loại có gắn nhãn mang thương hiệu Adidas, Nike, Lacoste, Burberry và hơn 4.000 nhãn rời mang nhãn hiệu Adidas, Nike, Burberry.
2. Cục Sở hữu trí tuệ chính thức triển khai dự án Nâng cao năng lực thẩm định đơn sáng chế do JICA tài trợ
Nguồn: Trung tâm công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và công nghệ
Ngày 04/5/2021 tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam chính thức tuyên bố bắt đầu triển khai Dự án “Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ”.
Đây là dự án ODA thứ 4 do JICA tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ kể từ năm 2000 đến nay. Dự án lần này sẽ được các bên phối hợp triển khai trong hai năm, từ 2021 đến 2023, tập trung vào lĩnh vực sáng chế, cụ thể là giúp Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng tài liệu kiểm soát chất lượng thẩm định đơn sáng chế, hoàn thiện quy chế thẩm định đơn sáng chế hiện có và bổ sung hướng dẫn thẩm định đơn sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và phần mềm máy tính.
Để hỗ trợ triển khai Dự án, JICA cử ông Nishimoto Koji, vốn là thẩm định viên sáng chế và thành viên Ban Kiểm soát chất lượng thẩm định đơn sáng chế của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO),
sang Việt Nam làm việc trong 2 năm. Với kinh nghiệm 28 năm thẩm định đơn sáng chế và kĩ năng chuyên môn trong thẩm định cũng như quản lý chất lượng thẩm định đơn sáng chế, ông Nishimoto Koji được cho là phù hợp với vị trí chuyên gia dài hạn và được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thành công các hoạt động của Dự án với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, ông sẽ là cầu nối trong quan hệ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ, JICA và JPO trong các vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn khẳng định, với kinh nghiệm hợp tác với JICA và nhiều thế hệ chuyên gia dài hạn trong các dự án trước đây, Cục Sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ phối hợp tích cực, hiệu quả với JICA nói chung và Chuyên gia JICA nói riêng để đưa Dự án này đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
3. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Úc đang cố gắng xây dựng thương hiệu gạo đoạt giải của Việt Nam và hành động của chủ sở hữu giống gạo
Gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin rằng các công ty ở Hoa Kỳ và Úc đang cố gắng đăng ký nhãn hiệu cho các giống lúa ST25 và ST24 được phát triển tại Việt Nam đã giành được Giải thưởng Gạo Tốt nhất Thế giới.
Đặc biệt, năm công ty Mỹ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 và một công ty, I&T Enterprise Inc., đã nhận được sự chấp thuận ban đầu để sử dụng “ST25” và “World’s Best Rice.” Trong khi đó, công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD của Australia mới đây đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho cả gạo ST24 và ST25 tại Australia.
Tuy nhiên, mới đây, doanh nghiệp Hồ Quang Trí cũng vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO). Doanh nghiệp Hồ Quang Trí là công ty của gia đình ông Hồ Quang Cua và cũng là chủ sở hữu của giống lúa ST24, ST25
Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là gương mặt ông Hồ Quang Cua, bên cạnh là bông lúa và dòng chữ “Gạo Ông Cua”. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã được USPTO tiếp nhận và chuyển cho bộ phận thẩm định trong vòng 3 tháng.
4. Bán lô hàng nhái GUCCI, Adidas trị giá 43 triệu đồng, bị phạt 45 triệu đồng
Nguồn: Báo Người lao động
Ngày 27-5, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Lương Ngọc Quân (địa chỉ số 01, đường Lạc Long Quân, Phường Hùng Vương, TP Phúc Yên), với mức phạt 45 triệu đồng về hành vi bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như GUCCI, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Burberry…
Cơ sở kinh doanh của ông Lương Ngọc Quân bị lực lượng QLTT Vĩnh Phúc cùng Công an TP Phúc Yên kiểm tra, phát hiện đang trưng bày để bán hàng hóa gồm hơn 160 sản phẩm quần áo, ví, dây lưng mang các nhãn hiệu nổi tiếng như GUCCI, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Burberry (trị giá hàng hóa 43 triệu đồng).
Toàn bộ số hàng hoá trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh, phối hợp với các đại diện chủ thể sở hữu nhãn hiệu đang được bảo hộ, lực lượng QLTT Vĩnh Phúc đã xác định toàn bộ số hàng hóa đang tạm giữ của cơ sở Lương Ngọc Quân là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngoài xử phạt tiền, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá giả nhãn hiệu nêu trên.
5. Xử phạt vợ Lê Dương Bảo Lâm vì bán nước hoa là hàng giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci trên mạng
Nguồn: Báo Cafef.vn
Ngày 4/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh (tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai) hơn 50 triệu đồng vì bán hàng giả.
Cụ thể tổng mức phạt tiền nộp ngân sách là 51,25 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 90 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên 1.000 chai dầu thơm gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Đây là cửa hàng do bà Tạ Thị Quỳnh Anh (vợ của nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm) là người đại diện ngành, nghề kinh doanh: mua bán quần áo may sẵn, mỹ phẩm; đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam trên môi trường Internet (bán hàng thông qua mạng xã hội – Facebook).
Vợ của nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm đã kinh doanh 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa giả mạo vi phạm là 60,5 triệu đồng.
Bán 1.118 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 29,5 triệu đồng. Tổng mức phạt tiền nộp ngân sách của 3 hành vi trên là 51,25 triệu đồng.
Ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời hạn 2 tháng đối với hành vi bán hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: 1.180 chai dầu thơm là hàng giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Công ty Luật TNHH ELITE
Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: +84 24 3737 3051
Email: info@lawfirmelite.com/vi