HỎI: Chào luật sư, công ty chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực thời trang. Sản phẩm của công ty được các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đón nhận nhiệt tình. Để thuận tiện cho công việc, chúng tôi có đăng ký kinh doanh với website livaro.com tại Việt Nam và chủ yếu kinh doanh trên mạng. Khách hàng Nhật Bản vẫn thường xuyên mua sắm trên đó. Chúng tôi được biết ở Nhật Bản cũng có một website với tên gọi giống như vậy và kinh doanh những mặt hàng giống công ty tôi. Vừa qua, website giống tên công ty chúng tôi ở Nhật bản đã bị xử phạt do mắc sai phạm trong kinh doanh. Vậy xin được hỏi luật sư là việc 2 website ở 2 nước trùng tên nhau có vi phạm luật không? Từng có trường hợp là khách hàng Nhật của công ty tôi mua nhầm sản phẩm ở website đó rồi lại phản hồi về chúng tôi. Làm cách nào để chúng tôi ngăn chặn được thiệt hại này, thưa luật sư?
TƯ VẤN:
Chúng tôi sẽ nêu ra ý kiến tư vấn chung về mặt nguyên tắc để Quý Công ty được biết và có hướng xử lý. Theo nội dung trên, về sơ bộ, chúng tôi nhận thấy có hai vấn đề chính liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ và Luật công nghệ thông tin, cụ thể là việc đăng ký và sử dụng tên miền (domain name) và việc bảo hộ bản quyền đối với hình thức trình bày trên giao diện website.
Theo chúng tôi, để đảm bảo căn cứ pháp lý vững chắc trong việc sử dụng và vận hành đối với một website kinh doanh sản phẩm qua mạng internet hay còn gọi là bán hàng online, Quý Công ty cần lưu ý và thực hiện các bước sau:
1) Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho tên miền hoặc thành phần chính của tên miền mà Quý Công ty sẽ đăng ký sử dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp cụ thể này, Quý Công ty nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “livaro.com” hoặc “livaro” cho các sản phẩm quần áo, trang phục (Nhóm 25) và dịch vụ kinh doanh quần áo, trang phục (Nhóm 35).
Phương án lý tưởng là Quý Công ty nên tiến hành tra cứu trước về khả năng bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu) để lựa chọn ra một cái tên có khả năng bảo hộ nhãn hiệu cao để (i) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, rồi sau đó sử dụng tên nhãn hiệu được lựa chọn này làm thành phần chính để (ii) đăng ký Tên Công ty (Tên thương mại) tại Cơ quan Đăng ký kinh doanh, và (iii) lấy nhãn hiệu này làm thành phần chính để đăng ký tên miền (domain name) tại Cơ quan đăng ký tên miền tại Việt Nam (tên miền “.vn” tại VNNIC) và Cơ quan đăng ký tên miền quốc tế (tên miền “.com”, “.net”, “.edu” … tại ICANN).
Như vậy, Quý Công ty sẽ có một nhãn hiệu (thương hiệu) chung, thống nhất được sử dụng đồng thời làm nhãn hiệu, tên thương mại và tên miền. Tên chung, thống nhất này sẽ được pháp luật bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu và tên thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này rất thuận lợi cho việc quảng bá và phát triển thương hiệu sau này, rất dễ đi vào trí nhớ người tiêu dùng.
Chúng tôi xin lưu ý và nhấn mạnh rằng, quyền độc quyền về nhãn hiệu dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp là cơ sở pháp lý vững chắc nhất để ngăn chặn các hành vi mạo danh, nhái tên gọi, làm hàng giả, hàng nhái, đăng ký chiếm giữ tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác trong kinh doanh.
Một ví dụ điển hình cho ý kiến tư vấn nêu trên là tên “VINCOM” đã được Công ty cổ phần VINCOM (VINCOM, JSC) (hiện nay là “Tập đoàn VINGROUP – Công ty CP”) sử dụng đồng thời làm (1) Nhãn hiệu chính (theo Đăng ký nhãn hiệu số 103940 do Cục SHTT cấp ngày 26/06/2008), làm (2) thành phần chính trong tên Công ty/tên Thương mại (“Công ty cổ phần VINCOM” (VINCOM, JSC)) và làm (3) thành phần chính trong tên miền “vincom.com.vn” đã được đăng ký và đang bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu và tên thương mại.
2) Đăng ký bảo hộ bản quyền cho hình thức trình bày giao diện trên giao diện website có thể dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và/hoặc phần mềm máy tính. Thông thường, hình thức trình bày (thể hiện) trên website đặc biệt trên trang chủ (homepage) được các Công ty chủ sở hữu thiết kế rất đẹp và công phu để thu hút sự quan tâm và hứng thú của khách hàng. Đồng thời, hình thức trình bày đẹp và độc đáo trên website đó cũng thể hiện sự sáng tạo và khác biệt của trang website này với các trang website khác.
Do đó, để ngăn chặn và chống lại hành vi sao chép bất hợp pháp của bên thứ ba đối với hình thức trình bày trên website của mình, Quý Công ty nên tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền cho hình thức trình bày giao diện trên giao diện website tại Cục Bản quyền tác giả Việt Nam để xác lập quyền sở hữu tác phẩm của mình đối với hình thức trình bày giao diện trên giao diện website đó.
Đối với câu hỏi của Quý Công ty, việc 2 website ở 2 nước trùng tên nhau có vi phạm luật không? Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc chung, luật của mỗi quốc gia chỉ có phạm vi áp dụng, thực thi trên lãnh thổ của chính quốc gia đó. Do đó, việc 2 website ở 2 nước Việt Nam và Nhật Bản có thành phần chính trong tên miền (domain name) trùng nhau (ví dụ: “livaro.com” so với “livaro.com.jp” hoặc “livaro.jp”) thì về nguyên tắc, sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật, với lý do đơn giản là Quý Công ty là một pháp nhân Việt Nam đang thực hiện việc kinh doanh tại Việt Nam và Chủ trang trang website ở Nhật Bản là một pháp nhân hoặc cá nhân Nhật Bản đang thực hiện việc kinh doanh tại Nhật Bản là hai quốc gia khác nhau có hai hệ thống pháp luật độc lập, khác nhau và không liên quan đến nhau.
Do vậy, trong trường hợp này, theo chúng tôi, để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Công ty Nhật Bản, Quý Công ty nên tiến hành ngay việc (1) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “livaro” và/hoặc “livaro.com” cho cho các sản phẩm quần áo, trang phục (Nhóm 25) và dịch vụ kinh doanh quần áo, trang phục (Nhóm 35) tại Việt Nam và Nhật Bản và đồng thời (2) đăng ký bảo hộ bản quyền cho hình thức trình bày giao diện trên giao diện website của Quý Công ty tại Việt Nam và Nhật Bản.
Sau khi có trong tay các quyền độc quyền về nhãn hiệu (cụ thể là Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu) đối với nhãn hiệu “livaro” và/hoặc “livaro.com” cũng như quyền bảo hộ độc quyền đối với tác phẩm bản quyền (cụ thể là Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu) cho thức trình bày giao diện trên giao diện website của Quý Công ty, Quý Công ty có thể dựa vào các quyền độc quyền được pháp luật Việt Nam và Nhật Bản bảo hộ này để tiến hành xử lý đối với hành vi xâm phạm của Công ty hoặc cá nhân là Chủ sở hữu của website tại Nhật Bản.
Chúng tôi hy vọng rằng các ý kiến tư vấn mang tính nguyên tắc trên đây có thể giúp ích trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Quý Công ty.
Bài viết chi tiết đã được đăng trên ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật, số 25 (328) ngày 5/7/2018.
Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ vấn đề gì cần tư vấn và hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi: