CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 – BỆ PHÓNG HÌNH THÀNH DOANH NGHIỆP TỶ ĐÔ

Qua cuộc trao đổi, trò chuyện với phóng viên Báo doanh nhân pháp luật số 33 ngày 5/9/2018, Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật ELITE LAW FIRM đã chia sẻ những ý kiến, nhận định của mình về những tiềm năng lớn mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng như vai trò, cơ chế xây dựng pháp luật để có thể bắt kịp xu thế mới của thời đại.

Theo Luật sư, trước đây để xây dựng nên một doanh nghiệp có giá trị tỷ USD (đô la Mỹ), các doanh nghiệp phải cần đến hàng chục năm. Nhưng hiện nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi chưa từng có cho các doanh nhân, doanh nghiệp sáng tạo để đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường toàn cầu và đạt được giá trị tỷ đô chỉ trong thời gian rất ngắn. Các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ dưới dạng sáng chế, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… được coi là tài sản có giá trị vô cùng lớn và quan trọng của các doanh nghiệp tỷ đô.

Bên cạnh những cơ hội đó, doanh nghiệp Việt cũng gặp phải không ít khó khăn, trở ngại khi kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0. Đầu tiên là nguồn vốn của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, không đủ nguồn lực về vốn để đầu tư cho công nghệ mới. Thứ hai, mặt bằng chung về trình độ nền tảng và nhận thức cơ bản về công nghệ, trình độ ngoại ngữ của các chủ doanh nghiệp Việt còn chưa cao nên khó nhận biết, đánh giá được giá trị của công nghệ cũng như có kế hoạch cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra còn một số hạn chế về pháp luật và chi phí bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn cầu.

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên nhấn mạnh vai trò của hệ thống pháp luật trong làn sóng Công nghệ 4.0. Hệ thống pháp luật đầy đủ, có khả năng thực thi hiệu quả trong việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ các thành quả sáng tạo và bảo hộ các tài sản trên không gian mạng internet được coi là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất tạo động lực và niềm tin, cảm hứng cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hòa nhập vào làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước những thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, Luật sư cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về vốn hoặc vay vốn, đặc biệt là vốn cho nghiên cứu phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về miễn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ để khuyến khích và thức đẩy các doanh nghiệp Việt tích cực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ mói trong sản xuất, kinh doanh. Nhà nước nên có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các trường PTHH VÀ Đại học giảng dạy ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và công nghệ (đặc biệt là toán và công nghệ thông tin và kỹ năng lập trình phần mềm) và rèn luyện về ý thức, kỷ luật lao động một cách hiệu quả, năng suất cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam. Đặc biệt, Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản pháp luật quy định việc công nhận và bảo hộ các giao dịch kinh doanh trên không gian mạng internet.

Bài viết chi tiết đã được đăng trên ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật, số 33 (332) ngày 5/9/2018.

Bình luận bài viết

X