Đình chỉ bảo hộ bằng độc quyền sáng chế vaccine Covid-19 dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Nguồn: Pháp Luật & Bản Quyền

Tác giả: LS. Nguyễn Trần Tuyên, Nguyễn Huy Hoàng –  Công ty Luật ELITE

Luật sư Nguyễn Trần Tuyên và Nguyễn Huy Hoàng – Công ty Luật ELITE vừa có bài viết trên Báo Pháp Luật Bản Quyền về chủ đề: Đình chỉ bảo hộ bằng độc quyền sáng chế vaccine Covid-19 dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Mời Quý Khách hàng và bạn đọc theo dõi nội dung trong bài viết sau:

 Gần đây, báo chí đồng loạt đưa tin chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ ủng hộ tạm dừng việc bảo hộ bằng độc quyền sáng chế vaccine Covid-19, một sự đảo ngược mạnh mẽ quan điểm của Hoa Kỳ trước đó. Tuyên bố này sau đó đã được tiếp nối bằng phát ngôn của bà Katherine Tai, Đại diện thương mại Hoa Kỳ.

Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước nghèo đang thiếu nghiêm trọng vaccine, được cho là loại vũ khí quý giá duy nhất để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid – 19, tuy nhiên nó lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty dược phẩm – trong khi sự sáng tạo và đầu tư tài chính của các công ty này chính là những nhân tố đầu tiên mở đường cho việc tạo ra các vaccine đó.

Li-xăng bắt buộc

Nhìn từ góc độ Luật Sở hữu trí tuệ, quyết định này của chính quyền Mỹ được đưa ra dựa trên quy định về li-xăng bắt buộc trong Tuyên bố Đô-ha (Tuyên bố của WTO về TRIPS và Sức khỏe cộng đồng) và Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ). Nhưng, theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam[1], li-xăng bắt buộc được quy định như thế nào?

1. Li-xăng bắt buộc là gì?

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có bất kỳ một văn bản pháp lý nào sử dụng thuật ngữ “li – xăng bắt buộc”. Thay vào đó, pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế”. Như vậy, có thể hiểu li – xăng bắt buộc là bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật Sở hữu trí tuệ, có thể hiểu li – xăng bắt buộc là việc Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế.

2. Li – xăng bắt buộc được cấp trong những trường hợp nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 145 và khoản 2 Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ, li – xăng bắt buộc có thể được cấp trong năm (05) trường hợp sau:

Trường hợp 1: Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Trường hợp 2: Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Trong hai trường hợp này, vì nhu cầu cấp thiết của xã hội như nhu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân,… (mục đích phi thương mại) nên Nhà nước sẽ chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho các tổ chức, cá nhân khác vì lợi ích chung. Có thể nói, trong các trường hợp này, Nhà nước bắt buộc phải hy sinh lợi ích của thiểu số để bảo toàn lợi ích cho đa số. Ví dụ, khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, doanh nghiệp là chủ sở hữu một loại vaccine phòng bệnh không có khả năng để sản xuất đủ số vaccine cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh hoặc hoàn toàn không có ý định sản xuất vaccine nên Nhà nước cần chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế đó cho các doanh nghiệp khác để cùng sản xuất, đáp ứng mục tiêu ngăn chặn sự mất kiểm soát của dịch bệnh.

Trường hợp 3: Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng.

Trường hợp 4: Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Hai trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nêu trên được nhà làm luật xây dựng dựa trên căn cứ có sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu sáng chế. Sự lạm dụng độc quyền ngoài các hành vi hạn chế cạnh tranh còn có thể được thể hiện qua việc từ chối ký kết hợp đồng hoặc từ chối đàm phán ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Nhìn rộng ra, các quy định này xuất phát từ học thuyết điều kiện thiết yếu. Mặc dù người nắm độc quyền sử dụng sáng chế được toàn quyền quyết định chuyển giao hay không chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, tuy nhiên nếu chứng minh được quyền sử dụng sáng chế đó là điều kiện thiết yếu thì Nhà nước có thể buộc người nắm độc quyền sử dụng sáng chế chuyển nhượng quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ thể khác.

Theo học thuyết này, việc từ chối chuyển giao các điều kiện thiết yếu (ở đây là các quyền sử dụng sáng chế) nhằm cản trở, thậm chí loại bỏ đối thủ cạnh tranh sẽ tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vì vậy được coi là hành vi vi phạm luật chống cạnh tranh, do đó người nắm độc quyền sử dụng sáng chế buộc phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Trường hợp 5: Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, nhưng chủ sở hữu sáng chế cơ bản không chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản theo yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý mà không có lý do chính đáng.

Đây là trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nhằm mục đích sử dụng các bằng sáng chế phụ thuộc. Với mục đích khuyến khích sự sáng tạo, tạo ra công nghệ mới, trong trường  hợp một sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế đã có, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý. Trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản.

3. Điều kiện cấp li – xăng bắt buộc là gì?

Như chúng ta đã biết, sáng chế được bảo hộ độc quyền và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có toàn quyền sử dụng, cho phép và ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế. Việc cấp li – xăng bắt buộc dù là vì lợi ích chung vẫn ảnh hưởng tới lợi ích của những người nắm độc quyền sử dụng sáng chế. Do đó, khi cấp li – xăng bắt buộc cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu sáng chế. Điều kiện áp dụng li – xăng bắt buộc được quy định tại Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, để áp dụng li – xăng bắt buộc cần đáp ứng đủ bốn điều kiện sau:

Thứ nhất, li – xăng phải là dạng không độc quyền.

Thứ hai, li – xăng được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng nhu cầu đặt ra và chủ yếu cho thị trường trong nước. Đối với sáng chế về bán dẫn thì li – xăng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc chỉ nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh.

Thứ ba, người được chuyển giao li – xăng không được chuyển giao cho người khác trừ trường hợp chuyển nhượng cùng cơ sở kinh doanh và không được cấp li – xăng thứ cấp.

Thứ tư, người được chuyển giao li – xăng phải trả chủ sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, nếu áp dụng li – xăng bắt buộc trong trường hợp 5 nêu trên thì còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;

Thứ hai, người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

4. Thẩm quyền và thủ tục cấp li – xăng bắt buộc?

Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thẩm quyền về thủ tục cấp li- xăng bắt buộc. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu đối với ba trường hợp sau: trường hợp người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế; trường hợp người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng; và trường hợp người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Bộ và cơ quan ngang Bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình trong trường hợp việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội trên cơ sở tham khảo với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quyết định li – xăng phải ấn định phạm vi và điều kiện phù hợp quy định về điều kiện cấp li – xăng bắt buộc được trình bày ở phần trên. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm quyền phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sáng chế về quyết định này. Quyết định này cũng có thể bị khiếu nại hoặc khiếu kiện theo quy định.

Để chi tiết hơn, hồ sơ và thủ tục cấp li – xăng bắt buộc được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, Mục 2 Chương II Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và khoản 5 Điều 2 Thông tư 13/2010/TT-BKHCN.

5. Khi nào việc cấp li – xăng bắt buộc chấm dứt?

Cấp li – xăng bắt buộc sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1, khi các căn cứ cấp li – xăng bắt buộc không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng sáng chế với điều kiện việc chấm dứt không gây thiệt hại cho người được chuyển giao.

Trường hợp 2, khi kết thúc thời hạn chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được ghi nhận trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, cấp li – xăng bắt buộc sẽ chấm dứt trong hai trường hợp, một là theo yêu cầu của người nắm độc quyền sáng chế, hai là theo quy định trong quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

6. Mặt tích cực và hạn chế của li – xăng bắt buộc là gì?

a. Mặt tích cực của li – xăng bắt buộc:

Thứ nhất, li – xăng bắt buộc đem lại khá nhiều lợi ích tích cực. Như đã trình bày ở trên, chỉ trong một số trường hợp nhất định Nhà nước mới cấp li – xăng bắt buộc. Trong trường hợp Nhà nước cấp li – xăng bắt buộc vì nhu cầu cấp thiết của xã hội như phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, đây là khi lợi ích chung của xã hội được đặt lên trên lợi ích của chủ sở hữu sáng chế. Lợi ích chung của đa số luôn được ưu  tiên và về tổng thể đem lại lợi ích lâu dài hơn so với ưu tiên lợi ích của riêng một vài chủ thể nhất định. Do vậy, khi Nhà nước cấp li – xăng bắt buộc sẽ có nhiều lợi ích hơn là thiệt hại.

Thứ hai, việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được coi là công cụ hữu hiệu để chống lại khuynh hướng lạm dụng độc quyền sáng chế, gây cản trở cho việc tiếp cận với sản phẩm được bảo hộ do lợi dụng độc quyền để tăng giá bán sản phẩm một cách bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích cộng đồng. Tác động rõ rệt của việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong việc giảm giá bán sản phẩm là bổ sung nguồn cung ứng sản phẩm, từ đó làm suy giảm hoặc phá vỡ thế độc quyền của chủ sử hữu sáng chế trong một số trường hợp.

b. Bên cạnh những lợi ích tích cực, li – xăng bắt buộc còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, li – xăng bắt buộc, ở một mức độ nào đó, có thể gây phương hại tới mục tiêu chuyển giao công nghệ và gây ảnh hưởng tới lợi ích của các chủ thể nắm độc quyền sáng chế. Chuyển giao công nghệ được thực hiện tốt nhất trong môi trường có sự hợp tác giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Sự hợp tác đó thường dẫn tới việc bộc lộ một “bí quyết” không được bảo hộ bằng độc quyền sáng chế cần thiết để tạo ra một sản phẩm đứng vững trên thị trường, nhưng không nhất thiết phải thỏa mãn yêu cầu bộc lộ để được bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Trong khi đó, li – xăng bắt buộc lại không có tinh thần hợp tác và cũng không có việc bộc lộ “bí quyết” không được bảo hộ theo bằng độc quyền sáng chế. Do vậy, việc cấp li – xăng bắt buộc có thể sẽ là một cách không hiệu quả để chuyển giao công nghệ đầy đủ.

Thứ hai, li – xăng bắt buộc còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các chủ thể nắm độc quyền sáng chế bởi quyền sử dụng đối với sáng chế khi đó sẽ bị chuyển giao cho chủ thể khác khai thác cùng. Trên thực tế, các chủ thể nắm độc quyền sáng chế là những người trực tiếp đầu tư nhân lực, tiền bạc và trí tuệ để tạo ra sáng chế, vậy nên họ có toàn quyền đối với sáng chế. Khi sáng chế được đưa vào khai thác là lúc họ đang lấy lại những gì họ đã bỏ ra. Vì vậy, khi quyền sử dụng bị chuyển giao, lợi ích về kinh tế của các chủ thể nắm độc quyền sáng chế sẽ bị ảnh hưởng.

7. Thực tiễn áp dụng việc cấp li – xăng bắt buộc ở Việt Nam

Tại Việt Nam, tình từ thời điểm Luật Sở hữu trí tuệ ra đời (năm 2005) cho tới nay không có nhiều vụ việc Nhà nước áp dụng quy định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Vụ việc điển hình diễn ra vào năm 2005, khi Việt Nam rơi vào đại dịch cúm gia cầm. Để đối phó với đại dịch này và theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ Việt Nam đã đặt hàng Công ty F Hoffmann-La Roche Ldt – chủ thể nắm quyền sáng chế sản xuất thuốc Tamiflu, 25 triệu viên thuốc Tamiflu để điều trị bệnh cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, Công ty dược phẩm này đã không có khả năng cung ứng cho đơn đặt hàng nêu trên.

Trước tình hình đó, tháng 11 năm 2005, Bộ Y tế đã yêu cầu Công ty Roche chuyển nhượng quyền sản xuất Tamiflu cho các doanh nghiệp Việt Nam, để Việt Nam có đủ thuốc đối phó với dịch cúm gia cầm trong thời gian tới.

Công ty Roche đã đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc Tamiflu cho Việt Nam nhưng sẽ tự lựa chọn công ty đủ năng lực sản xuất, hoạt động sau 2 tháng ký kết. Cùng với việc đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc Tamiflu, Roche cũng đồng ý xuất 25 triệu viên mà Việt Nam đặt hàng. Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam theo 3 giai đoạn: từ nay đến cuối năm 2006 (2 triệu viên); từ tháng 1-30/6/2006 (8 triệu viên) và từ tháng 7 – 12/2006 (15 triệu viên).[2]

Đây là một trong những trường hợp điển hình để chứng minh rằng, trong một số trường hợp nhất định, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bất kể ý chí chủ quan của chủ thể nắm quyền ra sao.

Quay trở lại với câu chuyện chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ đình chỉ bảo hộ sáng chế đối với vaccine Covid-19, mặc dù tuyên bố mà chính quyền Hoa Kỳ đưa ra là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên để đi tới một quyết định cuối cùng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ cần sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên, trong khi đó các nước thành viên khác như Anh, Đức lại đang phản đối quyết liệt đề xuất này. Tính tới nay, các nước thành viên WTO đã trải qua 10 cuộc họp nhưng vẫn không đạt được tiến triển đáng kể về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra.

Bên cạnh đó, ngay cả khi đi tới được kết quả cuối cùng thì việc cấp li – xăng bắt buộc vẫn cần xét đến hiệu quả thực tế là có đạt được mục đích đặt ra hay không. Ví dụ, trong trường hợp cấp li – xăng bắt buộc đối với các sáng chế vaccine ngừa Covid – 19 thì chất lượng vaccine do đơn vị được cấp li – xăng sản xuất ra có đạt được yêu cầu về tính an toàn cho con người không cũng như thời gian sản xuất và giá thành sản phẩn do đơn vị được cấp phép là yếu tố quyết định đến sự thành công của việc cấp li – xăng bắt buộc.

 


[1] Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010;

2. Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.

[2] Bài báo “Việt Nam được nhượng quyền sản xuất Tamiflu” – Link: http://vnn.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2005/11/509533/

Keywords: Đình chỉ bảo hộ bằng độc quyền sáng chế vaccine Covid-19, li-xăng bắt buộc, Patent for the invention of the Covid-19 vaccine, baohodocquyensangche, bangdocquyensangchevaccinecovid-19, dinhchibaoho, lixangbatbuoc, 

 
 
 
 
Bình luận bài viết

X