Trí tuệ nhân tạo (A.I) đã không còn là một khái niệm xa lạ, các ứng dụng của A.I đang dần len lỏi vào mọi lĩnh vực trong đời sống, từ sản xuất, kinh doanh đến giải trí mà nhiều khi làm chúng ta phải ngỡ ngàng. Từ xe tự lái của Tesla, hệ thống gợi ý sản phẩm của Amazon, hay chương trình dự đoán các startup thành công nhất của Goodson…
Tại Việt Nam, A.I đã bắt đầu được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như AI đã sáng tác được 10 giai điệu nhạc/giây của kỹ sư IT Nguyễn Hoàng Bảo Đại, AI nhận diện khuôn mặt trong kiểm soát dịch Covid-19, hay AI phát hiện Covid-19 thông qua tiếng ho…
Hiện nay ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng hệ thống pháp lý vẫn chưa có cách thức tiếp cận rõ ràng cho AI hay những sản phẩm do A.I tạo ra. Việc này đặt ra những thách thức trong quá trình ban hành và áp dụng pháp luật nhằm điều chỉnh nhóm đối tượng này….
Cùng Luật sư Nguyễn Trần Tuyên, giải đáp những câu hỏi xoay quanh vấn đề bảo hộ A.I. Để chúng ta có góc nhìn toàn cảnh về hệ thống pháp lý về A.I tại Việt Nam, cũng như những tiềm năng, cơ hội mở ra cho Doanh nghiệp khi pháp luật chính thức công nhận và bảo hộ A.I.
Nếu không được pháp luật bảo hộ thì chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu thực sự các sáng chế do A.I tạo ra sẽ phải đối mặt với những rủi ro pháp lý nào?
Khi các sáng chế do A.I sáng tạo ra không được pháp luật quy định và bảo hộ thì có nghĩa nó đang nằm ngoài vòng pháp luật và chúng ta không thể quản lý quản trị được. Hậu quả là khi tiến hành khai thác những tài sản phát sinh từ trí tuệ nhân tạo mà không được pháp luật công nhận thì các tài sản đó không được bảo hộ quyền.
Chủ sở hữu những sáng chế đó không thể chống lại các hành vi xâm phạm, khai thác sử dụng bất hợp pháp. Mặc khác chủ sở hữu cũng không thể thương mại hóa để khai thác thu hồi vốn đầu tư cho nghiên cứu, triển khai và không tạo ra lợi nhuận để tái đầu tư cho nghiên cứu tiếp, cải tiến, nâng cấp công nghệ, tạo ra sản phẩm mới dẫn tới mất động lực về kinh tế cho việc sáng tạo.
Hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, khai thác sáng chế cũng sẽ hỗn loạn, không kiểm soát, quản lý được vì không có pháp luật quy định gây xáo trộn xã hội và hoạt động kinh doanh. Ngoài ra trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra hậu quả lớn trong hoạt động bình thường của nền kinh tế như: tạo ra hacker, tạo ra những thiệt hại rất lớn cho phát triển Khoa học – Công nghệ… Thì chúng ta dựa vào căn cứ nào để xử lý các vấn đề kể trên?
Hiện nay, khung pháp lý để bảo hộ cho trí tuệ nhân tạo A.I, hay các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo A.I tạo ra ở Việt Nam đang như thế nào?
Hiện nay, tất cả các quy định pháp luật về sở trí tuệ của Việt Nam xoay quanh việc bảo hộ các sản phẩm sáng tạo, quy trình (phương pháp) sáng tạo do con người tự nhiên tạo ra chứ không phải là do máy móc hay là phần mềm tạo ra. Một cách cụ thể, ví dụ như các tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, phần mềm, ứng dụng máy tính hay là tạo ra một chiếc cốc, chiếc hộp hay là một thậm chí là kiểu dáng ôtô hay bất kỳ kiểu dáng công nghiệp mới thì hiện nay thì pháp luật chưa bảo hộ và không bảo hộ cho tác giả là trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra mà chỉ bảo hộ cho tác giả là cá nhân hoặc là một pháp nhân một công ty cụ thể đang là chủ sở hữu của hệ thống AI đó.
Chúng ta có nên bảo hộ sản phẩm trí tuệ do A.I tạo ra hay không?
Tôi ủng hộ việc bảo hộ các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra cũng như bảo hộ chặt chẽ trí tuệ nhân tạo càng sớm càng tốt.
- Thứ nhất, việc công nhận và bảo hộ thể hiện sự công nhận, ghi nhận chính thức của Nhà nước và xã hội;
- Thứ hai, việc công nhận là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ và chống hành vi xâm phạm quyền, khai thác trái phép. Tạo động lực về kinh tế và tinh thần cho chủ sở hữu đã đầu tư trí tuệ, công sức và tài chính cho việc nghiên cứu, tạo ra sản phẩm, giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo, hữu ích – khuyến khích đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và các nhà sáng chế, cá nhân sáng tạo;
- Thứ ba, công nhận sản phẩm trí tuệ do A.I tạo ra là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh, tránh hiện tượng sử dụng luật “rừng” hoặc các biện pháp không hợp pháp để giải quyết tranh chấp;
- Thứ tư, công nghệ mới từ AI sẽ có cơ hội phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn minh cho nhân loại, giải quyết các thách thức của nhân loại về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, nạn đói nghèo.
Tuy nhiên việc bảo hộ sản phẩm trí tuệ do A.I tạo ra như thế nào cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo tôi, chúng ta cần bảo hộ theo hướng thúc đẩy khuyến khích phát triển từng lĩnh vực cụ thể, không nên bảo hộ mọi lĩnh vực công nghệ, việc bảo hộ cần có định hướng, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung của Việt Nam trong thời gian tới (theo chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam). Cần cân nhắc đến việc bảo hộ nhằm mục đích khuyến khích phát triển và cân bằng lợi ích, không ảnh hưởng đến lợi ích của công chúng.
Nếu bảo hộ sáng chế do A.I tạo ra thì ai sẽ là chủ sở hữu thực sự?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) hiện hành, pháp luật chưa công nhận và bảo hộ các sáng chế do A.I tạo ra (cho tác giả sáng chế, chủ sở hữu/người nộp đơn sáng chế là A.I.) mà Luật SHTT hiện hành chỉ bảo hộ cho tác giả là cá nhân hoặc là một pháp nhân một công ty cụ thể đang là chủ sở hữu của hệ thống AI đó.
Theo quan điểm của tôi, cần phải có luật mới riêng quy định và điều chỉnh nó (A.I). Chúng ta không nên chắp vá sửa luật cũ, lấy quan niệm bảo hộ sản phẩm sáng tạo của con người tự nhiên để áp vào quy định bảo hộ cho các sáng tạo của trí tuệ nhân tạo. Vào trường hợp cụ thể này thì theo tôi thì chúng ta (Việt Nam) nên bảo hộ các quyền SHTT, bao gồm cả sáng chế do A.I sáng tạo ra. Tuy nhiên việc bảo hộ sẽ đặt ra một vấn đề pháp lý cực kỳ nan giải, bởi lẽ:
- AI không được công nhận là chủ thể trong các mối quan hệ pháp luật theo quy định hiện hành, nên không thể tham gia vào các quan hệ pháp lý hiện hành;
- AI không thể tự mình độc lập tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính, hình sự;
- AI không thể tự mình trực tiếp chịu trách nhiệm pháp lý (bồi thường thiệt hại) khi tham gia vào các mối quan hệ/giao dịch dân sự, kinh tế … nếu xảy ra thiệt hại;
- AI không thể tự mình trực tiếp thực thi các quyền nhân thân và quyền tài sản khi bị bên thứ ba xâm phạm (AI tồn tại dưới dạng thực thể vô hình (phần mềm) hoặc công cụ/tài sản hữu hình (vật liệu, thiết bị …) không thể khởi kiện, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế sáng chế & tác phẩm một cách trực tiếp và độc lập.
Do đó, chúng ta cần có các quy định pháp luật rất cụ thể và khả thi để điều chỉnh các nội dung trên khi ban hành các quy định pháp luật bảo hộ các quyền SHTT, tài sản trí tuệ do AI sáng tạo ra.
Ông có đề xuất gì trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT đối với sáng chế do AI tạo ra, nhất là liên quan đến việc xác định đối tượng bảo hộ và các tiêu chí đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế khi thẩm định công nghệ AI – một loại đặc thù, thưa Luật sư?
Theo quan điểm của tôi cần sớm ban hành quy định pháp luật điều chỉnh để quản lý và thúc đẩy AI góp phần cho sự phát triển, tiến bộ về khoa học, công nghệ, văn hóa, văn minh con người … Sáng chế do A.I sáng tạo ra nên được bảo hộ theo 1 cơ chế riêng, luật/quy định riêng, không sửa, bổ sung vào luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (quy định các quyền nhân thân và kinh tế/tài sản thời hạn bảo hộ … khác biệt với các quy định hiện hành.
Quy định rõ: quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân được ưu tiên bảo vệ, AI ko được xâm phạm các quyền này trong quá trình ứng dụng tạo ra sáng chế, tác phẩm mới… Ngoài ra cũng cần quy định rõ những sáng chế, tác phẩm trong lĩnh vực nào sẽ được bảo hộ, những lĩnh vực nào bị cấm, không bảo hộ, không khuyển khích phát triển, ví dụ: chống lại loài người, đi ngược, cản trở sự tiến bộ công nghệ, bị lạm dụng cho mục đích vi phạm pháp luật, chống lại loài người, cản trở sự phát triển, tiến bộ về khoa học, công nghệ, văn hóa, văn minh loài người.
Nguồn: Kinh Doanh và Pháp Luật số 617