Giới thiệu
• Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019, 2022) về quyền tác giả, quyền liên quan (“Nghị định 17/2023”). Nghị định này được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/4/2023.
• Nghị định 17/2023 gồm 7 chương, 116 điều, được cho là sẽ đem đến một công cụ pháp lý mạnh mẽ cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong việc bảo hộ, thu phí bản quyền và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.
ELITE Law Firm xin trân trọng giới thiệu 04 nội dung mới, quan trọng của Nghị định này tới quý Khách hàng.
Sao chép và sử dụng tác phẩm
Nghị định quy định rõ thế nào là “sao chép hợp lý tác phẩm”, “sử dụng hợp lý tác phẩm”, “trích dẫn hợp lý tác phẩm”, “sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại”, sao chép hợp lý một phần tác phẩm quyền liên quan, trích dẫn hợp lý tác phẩm quyền liên quan, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật.
Đặc biệt, Nghị định 17/2023 quy định rõ tỷ lệ phân chia tiền bản quyền về việc sử dụng tác phẩm bản quyền, tác phẩm quyền liên quan đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả phí bản quyền khi các bên không đạt được thỏa thuận. Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được.
Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan
Nội dung về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan được quan tâm đặc biệt và quy định rất toàn diện. Nghị định đã dành 60 Điều trong tổng số 116 Điều để quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.
Các nội dung về tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; tranh chấp và xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan; giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đã được quy định chi tiết và đầy đủ trong chương này.
Tranh chấp quyền tác giả
Nghị định quy định về 13 loại tranh chấp quyền tác giả (Điều 62) và 9 loại tranh chấp cụ thể về quyền liên quan (Điều 63). Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ 16 loại hành vi xâm phạm quyền tác giả và 15 hành vi xâm phạm quyền liên quan cụ thể. Quy định này giúp chủ sở hữu quyền và các cơ quan thực thi quyền dễ xác định trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong thực tế (Điều 66, 67).
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian
Sáu (6) loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông được quy định cụ thể trong Nghị định này (Điều 110), gồm các doanh nghiệp cung cấp:
(i) Dịch vụ internet, kết nối internet;
(ii) Dịch vụ thuê kênh viễn thông riêng;
(iii) Cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng;
(iv) Cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu;
(iv) Dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;
(vi) Dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ ISP phải xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Các công cụ bao gồm: Chương trình máy tính, trang thông tin điện tử, các hòm thư điện tử, cổng điện tử, công cụ tiếp nhận yêu cầu khác.
Trong trường hợp không được miễn trừ nghĩa vụ pháp lý, ISP phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Trường hợp ISP trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác, quyền liên quan thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Khi nhận được yêu cầu, ISP phải gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. ISP cần thông báo/báo cáo cho bên có nội dung xâm phạm và cơ quan có thẩm quyền sau khi thực hiện gỡ bỏ/ngăn chặn.
Đây là các quy định hoàn toàn mới nhằm bảo vệ quyền chặt chẽ cũng như việc thực thi xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường internet. Đây cũng là các yêu cầu mà Hiệp định CPTPP đặt ra cho các quốc gia thành viên phải nghiêm chỉnh tuân thủ nhằm bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan ở mức độ cao nhất.
Kết luận
Các quy định mới của Nghị định 17/2023 đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sự sáng tạo và đảm bảo quyền lợi của các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Hi vọng rằng sự thực thi hiệu quả Nghị định sẽ đảm bảo quyền lợi của tác giả và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp sáng tạo.
Tags: Bản quyền
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ
BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN
ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG