Nguyễn Trần Quang Minh (ELITE LAW FIRM) lược dịch
Hãng công nghệ khổng lồ Nokia mới đây tiết lộ rằng hãng dự định tính phí đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) trong việc sử dụng bằng sáng chế cho công nghệ 5G của họ. Để có được quyền tiếp cận và sử dụng các bằng sáng chế cho công nghệ 5G do Nokia đang sở hữu, mức phí này có thể là 3 đô-la Mỹ cho mỗi thiết bị. Nokia dự kiến sẽ nắm giữ phần lớn các bằng sáng chế công nghệ 5G khi điện thoại thông minh 5G gia nhập thị trường vào năm 2019.
Bà lkka Rahnasto, Trưởng Bộ phận kinh doanh Bằng sáng chế tại Nokia, nói rằng, sự đổi mới của Nokia cùng với cam kết của chúng tôi trong việc mở ra sự chuẩn hóa đã giúp xây dựng hệ thống mạng di động ngày nay và đặt nền tảng cho công nghệ 5G/NR. Thông báo này là một bước quan trọng trong việc giúp các công ty lên kế hoạch cho việc giới thiệu điện thoại di động sử dụng công nghệ 5G/NR cho lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường dự kiến vào năm 2019.
Đầu tư của Nokia trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G đã đem lại cho hãng này một danh mục đáng kể các bằng sáng chế mang tính bản lề và là tiêu chuẩn thiết yếu của công nghệ 5G. Trong một tuyên bố được phát đi cho báo chí, Nokia cho biết họ sẽ tôn trọng các chính sách quyền sở hữu tài sản trí tuệ hiện hành và đã cấp quyền tiếp cận tài sản trí tuệ của mình theo các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử.
Ngoài điện thoại di động, Nokia tin rằng sẽ có rất nhiều người tiêu dùng sử dụng thiết bị và sáng chế của Nokia, Nokia cho biết trong một tuyên bố cho báo chí.
Mức phí li-xăng sáng chế cụ thể cho các thiết bị điện thoại thông minh và thiết bị khác sẽ được Nokia công bố sớm.
Theo Wikipedia, 5G (Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà sáng chế, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực.
Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo. Tuy nhiên, để cung cấp 5G, các nhà mạng sẽ cần phải tăng cường hạ tầng cơ sở mạng lưới (gọi là trạm gốc). Họ có thể bắt đầu bằng cách khai thác dải phổ hiện còn trống. Sóng tín hiệu với tần số đo MHz sẽ được nâng cao lên thành GHz hay thậm chí nhanh hơn. Tần số giao tiếp của điện thoại hiện nay ở dưới mức 3 GHz nhưng mạng 5G sẽ yêu cầu những băng tần cao hơn. Mạng 5G dự kiến được tung ra thị trường vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và người tiêu dùng.
Các công ty đang phát triển và nắm giữ công nghệ 5G gồm: Intel, Qualcomm nắm giữ công nghệ modem và Lenovo, Nokia, Huawei, Ericsson, ZTE, Cisco và Samsung nắm giữ công nghệ mạng. AT & S nắm giữ công nghệ triển khai truyền thông di động 5G hiện tại với các giải pháp kết nối tối ưu tần số cao (HF) bằng cách phát triển và sản xuất cấu trúc bảng mạch in (PCB).
(Theo: https://patentlawyermagazine.com/nokia-to-charge-for-access-to-its-5g-patents và https://en.wikipedia.org/wiki/5G)