Theo quy định, hành vi xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự, cụ thể như sau:
Xử lý bằng biện pháp hành chính
Cụ thể là thủ tục xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm nhãn hiệu, được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Nghị định 126/2021/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị Định 99/2013. Theo đó, hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hoá, dịch vụ xâm phạm nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hoặc tối đa là 500 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm.
Xử lý bằng biện pháp dân sự
Cụ thể là, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có quyền khởi kiện dân sự đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền của mình ra Tòa án để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự
Xử lý bằng biện pháp hình sự
Theo quy định tại Điều 226 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó, hành vi xâm phạm nhãn hiệu cũng bị xử lý theo Điều này. Theo đó, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thì có thể bị Phạt tiền tối đa đến 1 tỷ đồng hoặc phạt Cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Đối với tổ chức/pháp nhân thương mại mà xâm phạm nhãn hiệu thì có thể chịu mức Phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng hoặc Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm theo quy định.