ELITE Law Firm lược dịch theo Newsletter của Công ty Luật SHTT Hàn Quốc
ELITE:
Vào ngày 6 tháng 10 năm 2023, Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Nhãn hiệu. Một trong những nội dung thay đổi quan trọng là việc sử dụng Thỏa thuận đồng tồn tại Nhãn hiệu. Theo đó, ngay cả khi một đơn đăng ký nhãn hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn hoặc trùng với các đơn nhãn hiệu nộp trước hoặc đăng ký nhãn hiệu đã được cấp trước thuộc sở hữu của người khác thì việc từ chối này có thể được khắc phục nếu chủ đơn nhãn hiệu nộp trước hoặc chủ đăng ký nhãn hiệu được cấp trước (chủ nhãn hiệu đối chứng) đồng ý, chấp nhận cho việc đăng ký của đơn đăng ký nhãn hiệu đang bị từ chối đó.
Tuy nhiên, nội dung này không áp dụng cho các nhãn hiệu trùng nhau được sử dụng cho cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào tháng 4 năm 2024 và sẽ áp dụng cho tất cả đơn đăng ký nhãn hiệu từ tháng 10 năm 2023. Điều này giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu tại Hàn Quốc.
Việc sửa đổi Luật Nhãn hiệu, theo đó cho phép Thỏa thuận đồng tồn tại đối với nhãn hiệu, đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào ngày 6 tháng 10 năm 2023.
Theo Đạo Luật nhãn hiệu hiện hành của Hàn Quốc, một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị từ chối bảo hộ nếu nhãn hiệu đó bị coi là tương tự gây nhầm lẫn hoặc trùng với các đơn đăng ký nộp trước hoặc đăng ký nhãn hiệu đã có thuộc sở hữu của bên thứ ba khác. Điều này gây ra sự bất tiện cho các chủ đơn nhãn hiệu vì họ buộc thực hiện quá trình chuyển nhượng nhãn hiệu với chủ sở hữu đơn đăng ký hoặc đăng ký nhãn hiệu đối chứng đã có từ trước (cụ thể là đàm phán, ký kết hợp đồng để mua lại các đơn nhãn hiệu hoặc đăng ký nhãn hiệu đối chứng đó để các nhãn hiệu thuộc về cùng một chủ sở hữu) để vượt qua việc bị từ chối và có được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Để giải quyết trở ngại này, Đạo luật Nhãn hiệu sửa đổi nhằm mục đích tạo sự thuận tiện tối đa cho chủ đơn đăng ký nhãn hiệu dựa trên từng trường hợp kinh doanh cụ thể trên thực tế. Theo đó, ngay cả khi một đơn đăng ký nhãn hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn hoặc trùng với các đơn nhãn hiệu nộp trước hoặc đăng ký nhãn hiệu đã được cấp trước thuộc sở hữu của người khác thì việc từ chối này có thể được khắc phục nếu chủ đơn nhãn hiệu nộp trước hoặc chủ đăng ký nhãn hiệu được cấp trước (chủ nhãn hiệu đối chứng) đồng ý, chấp nhận cho việc đăng ký của đơn đăng ký nhãn hiệu đang bị từ chối đó. Tài liệu chứng minh sự chấp nhận, đồng ý này được thực hiện thông qua cung cấp Thỏa thuận/Hợp đồng đồng tồn tại Nhãn hiệu (theo Điều 34 (1) 7 và Điều 35 (6) Luật Nhãn hiệu Hàn Quốc).
Tuy nhiên, với việc cung cấp Thỏa thuận đồng tồn tại Nhãn hiệu thì khả năng gây nhầm lẫn về nhãn hiệu (về nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ) trên thị trường không thể được loại bỏ hoàn toàn. Để giải quyết mối lo ngại này, một ngoại lệ được đặt ra, theo đó, luật quy định rằng Thỏa thuận đồng tồn tại Nhãn hiệu sẽ không áp dụng cho trường hợp các nhãn hiệu trùng nhau được sử dụng cho hàng hóa/dịch vụ trùng nhau (Điều 34 (1) 7 Đạo Luật Nhãn hiệu). Ngoài ra, trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký thông qua Thỏa thuận đồng tồn tại Nhãn hiệu chỉ được áp dụng trong các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, các quy định mới này được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể là đưa ra giải pháp cho việc xử lý các hồ sơ hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu thuộc dựa trên cơ sở cạnh tranh không lành mạnh (Điều 119, Đoạn 1, Khoản 5-2).
Với sửa đổi này, ngay cả khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối vì lý do tương tự gây nhầm lẫn hoặc trùng với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó thì hiện đã có sẵn một phương án đồng tồn tại đơn giản hơn thông qua việc ký một Thỏa thuận với chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Quy định sửa đổi này dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng tháng 4 năm 2024, khoảng sáu (6) tháng kể từ ngày công bố Luật (có thể là vào tháng 10 năm 2023) và cũng sẽ được áp dụng cho tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu đang xử lý kể từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.”