Hỏi đáp về Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

Câu 1: Tôi có thể nộp đơn quốc tế KDCN bằng email hoặc fax hay không?

Hiện nay, Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) không chấp nhận đơn đăng ký KDCN theo Thỏa ước La Hay nộp qua email. Đơn có thể nộp qua fax tới Văn phòng quốc tế nhưng chỉ được chấp nhận trong trường hợp bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN ở dạng đen trắng. Tuy nhiên, người nộp đơn vẫn phải nộp bản gốc của tờ khai và bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN đến Văn phòng quốc tế trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp đơn bằng fax.

Câu 2: Tôi có thể nộp mẫu vật thay cho bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN hay không?

Văn kiện Geneva 1999 cho phép người nộp đơn nộp mẫu vật thay cho bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN nhưng chỉ trong trường hợp đơn có yêu cầu trì hoãn công bố và đối tượng nêu trong đơn là KDCN hai chiều. Người nộp đơn phải nộp một mẫu vật tới Văn phòng quốc tế và một mẫu vật tới từng nước được chỉ định nếu nước đó yêu cầu. Ngoài ra, người nộp đơn vẫn phải nộp bổ sung bộ ảnh chụp, bản vẽ của KDCN muộn nhất là 3 tháng trước khi kết thúc thời hạn nộp phí công bố. Phí công bố phải được nộp muộn nhất là 3 tuần trước khi hết thời hạn trì hoãn công bố.

Câu 3: Sau khi đơn được thẩm định hình thức bởi Văn phòng quốc tế, nếu bộ ảnh chụp, bản vẽ trong đơn của tôi không phải sửa chữa thiếu sót gì thì có phải sẽ được chấp nhận tại tất cả các nước được chỉ định?

Ngay cả khi bộ ảnh chụp, bản vẽ trong đơn quốc tế thỏa mãn tất cả các yêu cầu về mặt hình thức theo quy định của Thỏa ước La Hay, cơ quan sở hữu trí tuệ của các nước được chỉ định vẫn có thể kết luận rằng bộ ảnh chụp, bản vẽ trong đăng ký quốc tế không bộc lộ đầy đủ KDCN và trên cơ sở đó đưa ra thông báo từ chối bảo hộ. Tiêu chí về bộc lộ đầy đủ KDCN của bộ ảnh chụp, bản vẽ khác nhau giữa các nước. Vì vậy, WIPO có cung cấp tài liệu hướng dẫn về bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN giúp người nộp đơn quốc tế tránh bị từ chối bảo hộ bởi cơ quan thẩm định của các nước.

Câu 4: Mỗi nước được chỉ định trong đơn quốc tế có thời hạn bảo hộ khác nhau. Vậy khi hết thời hạn bảo hộ tối thiểu 15 năm, tôi có phải gia hạn riêng cho từng nước có thời hạn bảo hộ dài hơn hay không?

Đăng ký quốc tế KDCN có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày đăng ký và có thể gia hạn theo các kỳ hạn 5 năm. Thời hạn bảo hộ tối thiểu ở mỗi nước được chỉ định là 15 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế. Vì vậy, trong 2 kỳ hạn tiếp theo, chủ đăng ký quốc tế có thể gia hạn tập trung tại WIPO cho tất cả các nước được chỉ định. Các nước có thời hạn bảo hộ lâu hơn đều có thời hạn bảo hộ là bội số của 5 năm (20, 25 hoặc 50 năm). Vì vậy, sau 15 năm đầu tiên, chủ đăng ký vẫn tiếp tục gia hạn tập trung tại WIPO theo các kỳ hạn 5 năm cho các nước còn thời hạn bảo hộ và kỳ hạn cuối cùng là kỳ hạn gia hạn đối với những nước được chỉ định có thời hạn bảo hộ lâu nhất. Ở mỗi kỳ gia hạn, chủ sở hữu đăng ký quốc tế cũng có thể yêu cầu Văn phòng quốc tế chỉ gia hạn ở một số nước trong số các nước được chỉ định và/hoặc chỉ gia hạn đối với một số KDCN nhất định trong đăng ký.

Câu 5: Tôi có thể nộp phí gia hạn muộn hay không? Nếu nộp phí gia hạn muộn thì đăng ký quốc tế của tôi có bị ảnh hưởng không?

06 tháng trước khi hết mỗi kỳ hạn 5 năm, WIPO sẽ gửi chủ đăng ký quốc tế KDCN thông báo nhắc ngày hết hạn của đăng ký quốc tế. Phí gia hạn cần được nộp cho WIPO muộn nhất vào ngày hết hạn đó. Tuy nhiên WIPO cho phép khoảng thời gian ân hạn 6 tháng sau ngày đăng ký quốc tế hết hạn để chủ đăng ký quốc tế có thể nộp phí gia hạn nhưng phải nộp kèm một khoản phụ phí. Ngày gia hạn được WIPO ghi nhận là ngày đến hạn gia hạn, ngay cả khi phí gia hạn được nộp muộn trong khoảng thời gian ân hạn.

Câu 6: Đơn quốc tế KDCN nộp theo Thỏa ước La Hay có phải nộp thông qua đại diện sở hữu công nghiệp hay không? Yêu cầu đối với đại diện của chủ đơn là gì?

Người nộp đơn có thể tự mình nộp đơn tới Văn phòng quốc tế hoặc nộp đơn gián tiếp thông qua cơ quan sở hữu trí tuệ của nước mình hoặc có thể nộp đơn thông qua đại diện. Hệ thống La Hay không có yêu cầu cụ thể nào về người được ủy quyền làm đại diện cho chủ đơn đăng ký quốc tế. Vì vậy, chủ đơn có thể ủy quyền cho đại diện là cá nhân, tổ chức ở bất kỳ đâu, không bắt buộc phải ở nước thành viên của chủ đơn hay thậm chí không cần phải ở nước là thành viên của Thỏa ước La Hay.

Tuy nhiên, việc ủy quyền đại diện trong đơn quốc tế KDCN chỉ có giá trị để người được ủy quyền giao dịch với Văn phòng quốc tế. Chủ đơn vẫn phải ủy quyền đại diện cho cá nhân, tổ chức khác để giao dịch với cơ quan sở hữu trí tuệ của các nước được chỉ định trong đơn khi có thông báo từ chối bảo hộ bởi cơ quan đó. Việc ủy quyền này phải tuân thủ theo quy định pháp luật của nước liên quan được chỉ định.

Câu 7: Việc ủy quyền đại diện đối với đơn quốc tế theo Thỏa ước La Hay để giao dịch với Văn phòng quốc tế có cần phải thực hiện thông qua giấy ủy quyền không?

Việc ủy quyền đại diện để thay mặt chủ đơn giao dịch với Văn phòng quốc tế không phải trong mọi trường hợp đều cần thông qua giấy ủy quyền. Nếu việc ủy quyền được thực hiện ngay tại thời điểm nộp đơn quốc tế thì không cần nộp giấy ủy quyền mà ủy quyền thông qua việc khai thông tin về người được ủy quyền trong hồ sơ đơn. Nếu nộp đơn giấy, chủ đơn có thể cung cấp thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đại diện ngay trong tờ khai đơn quốc tế (mẫu DM/1) hoặc trong mẫu DM/7 nộp kèm tờ khai. Nếu nộp đơn qua hệ thống nộp đơn trực tuyến eHague, chủ đơn khai thông tin về người được ủy quyền làm đại diện trên giao diện của hệ thống. Nếu việc ủy quyền đại diện được thực hiện sau thời điểm nộp đơn thì phải cung cấp giấy ủy quyền.

Câu 8: Đăng ký quốc tế được công bố vào thời điểm nào? Khi nộp đơn, chủ đơn có được lựa chọn thời điểm công bố hay không?

Theo Văn kiện Geneva, chủ đơn có thể yêu cầu đăng ký quốc tế được công bố ngay. Khi đó, đăng ký quốc tế sẽ được công bố một cách sớm nhất, thường là vào kỳ công bố của tuần tiếp theo tuần mà đăng ký quốc tế được ghi nhận.

Chủ đơn cũng có thể yêu cầu trì hoãn công bố. Văn kiện Geneva cho phép chủ đơn yêu cầu trì hoãn công bố tối đa lên đến 30 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Tuy nhiên, thời gian trì hoãn công bố thực tế phụ thuộc vào thời gian cho phép trì hoãn của các nước được chỉ định trong đơn.

Nếu đơn chỉ định nước có tuyên bố thời gian cho phép trì hoãn tối đa dưới 30 tháng thì đăng ký quốc tế sẽ được công bố ngay khi hết thời gian tối đa được nêu trong tuyên bố đó. Nếu đơn chỉ định nhiều nước mà mỗi nước có tuyên bố thời gian cho phép trì hoãn tối đa khác nhau thì đăng ký quốc tế sẽ được công bố ngay khi hết thời gian cho phép ngắn nhất trong số các khoảng thời gian tối đa cho phép trì hoãn được nêu trong các tuyên bố đó.

Nếu đơn chỉ định nước có tuyên bố không cho phép trì hoãn công bố thì trong trường hợp đơn có nộp kèm bộ ảnh chụp, bản vẽ KDCN, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo cho chủ đơn rằng yêu cầu trì hoãn công bố không phù hợp với nước được chỉ định. Nếu chủ đơn không rút bỏ chỉ định đối với nước đó trong vòng một tháng kể từ ngày thông báo thì yêu cầu trì hoãn công bố sẽ bị vô hiệu. Trong trường hợp đơn nộp kèm theo mẫu vật thay cho bộ ảnh chụp, bản vẽ thì việc chỉ định đến nước đó sẽ không được xem xét và Văn phòng quốc tế gửi thông báo về điều này cho chủ đơn.

Nếu chủ đơn không yêu cầu công bố ngay và không yêu cầu trì hoãn công bố thì thông thường WIPO sẽ công bố đăng ký quốc tế trên công báo quốc tế trong vòng 6 tháng kể từ ngày đăng ký.

Câu 9: Chủ đơn có được thay đổi thời điểm công bố sau khi đã lựa chọn khi nộp đơn hay không?

Nếu khi nộp đơn, chủ đơn lựa chọn công bố đăng ký quốc tế ngay thì sau đó chủ đơn chỉ có thể sửa lại yêu cầu này (chuyển sang công bố thông thường hoặc yêu cầu trì hoãn công bố) nếu đơn còn đang được xử lý, cụ thể là WIPO chưa ghi nhận đơn đó vào đăng bạ quốc tế.

Nếu khi nộp đơn, chủ đơn yêu cầu trì hoãn công bố thì sau đó có thể yêu cầu công bố sớm cho một hoặc cho tất cả KDCN có trong đăng ký quốc tế. Khi có yêu cầu công bố sớm cho tất cả KDCN thì thời gian trì hoãn công bố của đăng ký quốc tế đó được coi là chấm dứt.

Nguồn: Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam

Tổng hợp bởi: ELITE LAW FIRM

Bình luận bài viết

X