Ngày sở hữu trí tuệ thế giới – IP day (26/04/2019) đang đến rất gần. Tuần này, những người tham gia ở hàng trăm sự kiện trên toàn cầu sẽ kỷ niệm chủ đề của năm nay – “HÃY GIÀNH HUY CHƯƠNG VÀNG” (“REACH FOR GOLD”) – và tìm hiểu xem quyền sở hữu trí tuệ đã khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển thể thao đối với người hâm mộ khắp thế giới như thế nào.
Tại WIPO, mỗi ngày đều là Ngày sở hữu trí tuệ thế giới – các dịch vụ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp là công việc chủ yếu hàng ngày. Chúng tạo ra một mạng lưới toàn cầu trong đó đổi mới công nghệ, những cố gắng đối với các thương hiệu hiện tại và thiết kế sản phẩm tiên tiến có thể chuyển giao được trên toàn cầu.
Bản quyền và các hiệp ước liên quan của WIPO đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng mở rộng đối với các tác giả và các nghệ sĩ, cũng như đối với các tổ chức thể thao phụ thuộc vào các đài truyền hình để truyền tải sự kiện của họ, thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới và các nhà tài trợ. Bản quyền và các quyền liên quan, đặc biệt là các quyền của các tổ chức phát sóng giúp củng cố mối quan hệ giữa thể thao, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.
Hiệp ước Nairobi là một trong 26 Hiệp ước của WIPO trực tiếp hỗ trợ cho Phong trào Olympic và Thế vận hội Olympic – một trong những sự kiện thể thao tiêu biểu nhất thế giới.
Hiệp ước Nairobi về bảo vệ biểu tượng Olympic bắt buộc các quốc gia thành viên: “từ chối hoặc hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu và bằng các biện pháp thích hợp, cấm việc sử dụng các nhãn hiệu, dấu hiệu có hoặc chứa biểu tượng Olympic, như được định nghĩa trong Hiến chương Ủy ban Olympic Quốc tế vì mục đích thương mại, trừ trường hợp được sự cho phép của Ủy ban Olympic quốc tế.”
Cho đến nay, 52 trong số 192 quốc gia thành viên của WIPO đã tham gia Hiệp ước Nairobi.
Về cơ bản, tất cả các quốc gia ký kết Hiệp ước đều có nghĩa vụ bảo vệ biểu tượng Olympic – năm vòng tròn xen kẽ – chống lại việc sử dụng cho mục đích thương mại (trong quảng cáo, trên hàng hóa, như một nhãn hiệu và các trường hợp khác) mà không có sự cho phép của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). IOC là một tổ chức quốc tế độc lập và phi lợi nhuận. Tổ chức này dẫn đầu Phong trào Olympic và cam kết xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua các hoạt động thể thao.
Một ý nghĩa quan trọng của Hiệp ước Nairobi là, nếu IOC cho phép sử dụng biểu tượng Olympic ở một quốc gia là thành viên của Hiệp ước, Ủy ban Olympic quốc gia của quốc gia đó được hưởng một phần doanh thu mà IOC có được từ việc sử dụng đó.
IOC cũng sử dụng Hệ thống Madrid của WIPO để đăng ký quốc tế các nhãn hiệu của mình, ngoài Biểu tượng Olympic còn bao gồm các “Tài sản Olympic”, nhằm quản lý danh mục nhãn hiệu trên toàn cầu. Việc đăng ký này bao gồm tất cả các quyền liên quan đến tổ chức, khai thác và tiếp thị Thế vận hội Olympic. Hiến chương Olympic xác định “Tài sản Olympic” bao gồm cờ Olympic, phương châm, bài ca Thế vận hội, chỉ định, biểu tượng, ngọn lửa, ngọn đuốc và định danh bao gồm nhưng không giới hạn ở “Thế vận hội Olympic”.
Thương hiệu IOC, như thể hiện thông qua các nhãn hiệu được bảo vệ này, là một phần không thể thiếu trong mô hình doanh thu, cho phép nó hỗ trợ sự phát triển của thể thao trên toàn cầu.
90% số tiền do IOC tạo ra thông qua các hợp đồng tài trợ và bán bản quyền phát sóng được tái đầu tư vào sự phát triển thể thao trên toàn thế giới.
Ngoài Hiệp ước Nairobi, nhiều quốc gia (chủ nhà trước đây và tương lai của Thế vận hội Olympic) đã áp dụng luật pháp quốc gia cụ thể để bảo vệ tài sản Olympic và quyền của các nhà tổ chức các sự kiện thể thao.
(Bản dịch Tiếng Việt của ELITE LAW FIRM)