VNG không phải bồi thường hơn 14 tỷ đồng

Elite: Công ty Cổ phần VNG đã thắng kiện tại phiên tòa phúc thẩm, bác bỏ yêu cầu bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Truyền thông TK-L. Đồng thời, VNG không phải xin lỗi công khai vì việc phân phối độc quyền không được phép của ba bộ phim (The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch) .

Tòa phúc thẩm cho rằng Công ty TK-L không có đủ bằng chứng để chứng minh quyền độc quyền đối với ba bộ phim trên. Nguyên nhân là các hợp đồng giữa công ty TK-L và công ty Sea Yuen Limited bị xem xét là vô hiệu và chưa rõ TK-L có được phép nhập khẩu phim vào Việt Nam hay không.


 

Tòa phúc thẩm cho rằng không thể buộc Công ty Cổ phần VNG bồi thường 14,3 tỷ đồng vì chưa đủ điều kiện xác định Công ty Cổ phần truyền thông TK – L được độc quyền phát hành 3 bộ phim.

Ngày 16/10, TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng cáo của bị đơn – Công ty Cổ phần VNG (VNG), sửa bản án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần truyền thông TK – L (TK – L) đòi VNG bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng và xin lỗi công khai trên báo do phát hành phim độc quyền không xin phép.

Phán quyết này có hiệu lực pháp luật ngay, và trái ngược với bản án sơ thẩm tuyên buộc VNG bồi thường số tiền trên cho nguyên đơn.

Hình ảnh trong bộ phim các bên tranh chấp. Ảnh: Vie

Hình ảnh trong bộ phim các bên tranh chấp

Theo HĐXX, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ cho thấy chưa đủ điều kiện xác định TK – L được đối tác nước ngoài là Công ty Sea Yuen Limited cấp độc quyền 3 bộ phim The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch. Tức là, hợp đồng thỏa thuận cấp phép của Công ty Sea Yuen Limited cho TK – L đối với 3 bộ phim này là vô hiệu tại thời điểm ký kết.

Cụ thể, năm 2018, 2019, TK – L ký hợp đồng với Công ty Sea Yuen Limited để được độc quyền phát sóng đối với 3 bộ phim trên. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không chứng minh được Công ty Sea Yuen Limited có tư cách hợp pháp được quyền cấp phép cho TK – L đối với 3 bộ phim này.

Hơn nữa, quá trình tố tụng, Công ty Sea Yuen Limited là người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, nên chưa thể làm rõ công ty này đủ tư cách pháp nhân khi tham gia giao dịch chuyển nhượng cho TK – L độc quyền khai thác 3 bộ phim trên mọi nền tảng truyền hình trong lãnh thổ Việt Nam.

Tòa cũng cho rằng, cần đặt ra vấn đề tại thời điểm TK – L ký hợp đồng với đối tác mua quyền khai thác các bộ phim thì đã được cơ quan chức năng cho nhập khẩu phim vào Việt Nam hay chưa. “Đây là điều kiện cần và đủ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chỉ cần thiếu một trong các điều kiện này thì nguyên đơn không đủ tư cách độc quyền 3 bộ phim trên tại Việt Nam”, bản án nêu.

Trong khi đó, theo tòa, đối với bộ phim Bạch Phát Vương Phi, vi bằng chứng minh ngày bị đơn có hành vi vi phạm là 16/5/2019, nhưng ngày nguyên đơn ký thỏa thuận mua của đối tác là 20/5/2019 và đến 30/5/2019 nguyên đơn mới được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép nhập khẩu. Tức, thời điểm bị đơn được cho là có hành vi vi phạm thì nguyên đơn chưa được quyền khai thác độc quyền đối với bộ phim tại Việt Nam.

Tòa cũng đưa ra nhiều căn cứ xác định, thời điểm được cho là phía bị đơn có hành vi vi phạm thì Công ty Sea Yuen Limited không có quyền thỏa thuận với TK – L về quyền được phát hành các bộ phim.

Tương tự với hai bộ phim còn lại, tòa cũng cho rằng chưa đủ các điều kiện xác định TK – L được quyền phát hành độc quyền.

Bản án sơ thẩm trước đó xác định, năm 2020, TK – L ký hợp đồng với Công ty Sea Yuen Limited được quyền khai thác độc quyền 3 bộ phim trên các nền tảng truyền hình trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, TK – L phát hiện VNG đã khai thác các phim này dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tử tv.zing.vn, thuộc quyền quản lý và sở hữu của VNG.

TK – L cho rằng, VNG khai thác các tác phẩm khi không được cho phép, gây thiệt hại nên khởi kiện yêu cầu TAND TP HCM buộc bồi thường.

TAND TP HCM đã tuyên chấp nhận yêu cầu của TK – L, buộc VNG phải bồi thường cho nguyên đơn 14,3 tỷ đồng và xin lỗi trên 3 báo. Theo HĐXX, các tài liệu trong hồ sơ thể hiện TK – L đã chi trả cho đối tác nước ngoài tổng cộng hơn 610.000 USD (tương đương hơn 14 tỷ đồng) để được độc quyền khai thác 3 bộ phim ở Việt Nam, là có căn cứ. Những bộ phim này đã được Cục điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép lưu hành.

Căn cứ vào khoản 8, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009), hành vi xâm phạm quyền tác giả là: sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật. Từ đó, tòa xác định 3 bộ phim này được đối tác phân phối độc quyền cho TK – L, nhưng trang tv.zing.vn đã trình chiếu khi chưa xin phép là vi phạm về khai thác bản quyền.

VNG sau đó kháng cáo toàn bộ bản án.

Nguồn: Vnexpress

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

 

 

Bình luận bài viết

X