Góc Nhìn Pháp Lý: Youtuber Nổi Tiếng Bị Mất Nhãn Hiệu

Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày nay, tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt sau vụ việc hàng loạt các Youtuber đình đám của Việt Nam đã bị người khác đăng ký mất nhãn hiệu.

Thực trạng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các Youtuber nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay

Với sự phát triển mạng mẽ của YouTube, nghề YouTuber đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đây được xem như nghề không chỉ mang lại sự nổi tiếng mà cùng với đó là nguồn thu nhập khủng và có sự ảnh hưởng nhất định đối giới trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, việc nhận thức được tầm quan trọng đến từ việc bảo hộ nhãn hiệu của các Youtuber hiện nay lại khá hạn chế.

Mới đây, trên trang fanpage của mình, streamer PewPew (Hoàng Văn Khoa), một streamer nổi tiếng với hàng triệu lượt theo dõi tại Việt Nam bất ngờ thông báo thương hiệu làm nên tên tuổi của anh là “PewPew” đã bị người khác đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ và rất có khả năng anh mất cả Fanpage và YouTube với hơn 3,6 triệu người theo dõi.

Streamer Hoàng Văn Khoa và nhãn hiệu “Pewpew” được đăng ký tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ

Streamer Hoàng Văn Khoa và nhãn hiệu “Pewpew” được đăng ký tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ

Vụ việc của Streamer Hoàng Văn Khoa không phải là trường hợp duy nhất bị ‘bay màu kênh’ và mất tên do việc đăng ký bản quyền thương hiệu. Trước đó, hàng loạt các Youtuber đình đám của Việt Nam cũng đã gặp phải trường hợp tương tự. Nổi bật có thể kể đến như nhãn hiệu Mixi Food của stremmer Độ Mixi đã bị đăng ký trước bởi một công ty luật, khiến sự việc bị lùm xùm trên mạng xã hội một thời gian khá dài. Tiếp sau đó là anh em Tam Mao với nhãn hiệu “Tam Mao TV” với gần 2 triệu lượt theo dõi trên Youtube cũng đã bị mất nhãn hiệu với lí do nhãn hiệu này đã được một công ty đăng ký ngày 15/04/2021. Chưa dừng lại ở đó, một loạt các tên tuổi nổi tiếng khác như kênh của nữ Streamer MisThy, “Sơn Tùng MTP”, “HAM tv”, “TACAZ”, “ISP”,… cũng đã đều đã được các đơn vị khác đăng ký trước.

Tên nhãn hiệu “Tam mao TV” được đăng ký tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ

Tên nhãn hiệu “MISTHY” được đăng ký tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ.

Tên nhãn hiệu “MISTHY” được đăng ký tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ.

Việc đăng ký các nhãn hiệu trên sẽ không có vấn đề nếu được thực hiện bởi chính những người nổi tiếng hoặc đơn vị quản lý của họ. Vấn đề là những chủ đơn kia hoàn toàn không phải chủ sở hữu thực sự đang phát triển kênh này. Chính vì thế, đây trở thành một mối đe dọa đối với những người nổi tiếng.

Những chủ đơn đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trùng tên của các Youtuber nổi tiếng ở trên có sai không?

Trước hết phải khẳng định rằng, việc các chủ đơn đã nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu trùng tên với các Youtuber nổi tiếng tại Việt Nam ở trên là không sai và họ không bị cấm nộp đơn đăng ký. Theo quy định của khoản 1 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Không chỉ vậy, Việt Nam hiện nay còn áp dụng “nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”, tức là trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tư với nhau cho cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn đăng ký được chấp thuận bảo hộ là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên. Do đó, cá nhân/pháp nhân nào nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước thì có quyền trước đối với nhãn hiệu đó. 

Điều đó có nghĩa là: Việc nộp đơn là một thủ tục, còn việc được cấp văn bằng độc quyền lại là một vấn đề pháp lý thuộc thẩm quyền của Cục SHTT, chỉ khi nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ theo luật định mới được cấp văn bằng bảo hộ, và chỉ khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu mới có quyền “Độc quyền”. Hiện nay pháp luật không có quy định nào để hạn chế hay ngăn cản các chủ đơn trên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Ngoài ra, các chủ sở hữu đích thực của các kênh Youtube nêu trên, tại thời điểm hiện tại, cũng sẽ không thể đăng ký được các nhãn hiệu của mình vì nếu nộp đơn đăng ký chắc chắn sẽ bị từ chối vì bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được các chủ đơn nộp đơn trước đó.

Tại sao việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu lại quan trọng đến vậy?

Có thể thấy trong những năm gần đây, việc một số bạn trẻ kiếm tiền từ nền tảng xã hội Youtube đang dần trở thành xu thế bởi nguồn lợi nhuận khổng lồ từ kênh mạng xã hội này mang lại. Tuy nhiên không phải bất cứ bạn trẻ nào khi bắt đầu dấn thân vào con đường làm Youtuber cũng có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ngay từ đầu. Vậy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm sẽ giúp ích gì cho chủ sở hữu nhãn hiệu ?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, việc đăng ký này lại vô cùng quan trọng. Đặc biệt là trong bối cạnh hiện nay, do ham lợi, muốn đạt lợi nhuận nhanh chóng và bằng mọi cách rẻ nhất, đã có không ít các tổ chức, cá nhân làm hàng giả, bắt chước hoặc nhái theo các nhãn hiệu nổi tiếng để sản xuất các hàng hóa kém chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Hậu quả là người tiêu dùng thiếu lòng tin vào chất lượng và uy tín sản phẩm, thị trường bị mất đi sự bình đẳng khi sản phẩm của những kẻ làm nhái, làm giả được mang thương hiệu nổi tiếng dù không cần thời gian cũng như chi phí đầu tư lại bán được với giá rẻ có thể cạnh tranh với những sản phẩm của trí tuệ.

Trước thực tế đó, việc bảo hộ nhãn hiệu được xem là biện pháp pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu. Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng sẽ hạn chế một cách tối đa thiệt hại do việc khai thác, sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu của các chủ thể khác, từ đó đảm bảo được uy tín, danh tiếng của chủ sở hữu nhãn hiệu trên thị trường. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sớm thì sẽ rất dễ mất đi lợi thế trong các tranh chấp, kiện cáo liên quan, mất đi uy tín và thương hiệu mà mình đã vất vả gây dựng nên.

Các chủ sở hữu thực sự cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng khi bị một bên khác nộp đơn nhãn hiệu của chính mình?

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng giống như việc khám chữa bệnh, phải đề cao tinh thần phòng bệnh hơn chưa bệnh. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng chính là cơ sở để chủ sở hữu nhãn hiệu nhanh chóng giải quyết tranh chấp khi có phát sinh.

Đăng ký bảo hộ sớm

Nhãn hiệu chính là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa hàng hóa hóa và dịch vụ trên thị trường. Chính vì thế, việc đầu tiên mà chủ sở hữu nhãn hiệu cần làm là đăng ký độc quyền nhãn hiệu của mình ngay cả trong và ngoài nước càng sớm càng tốt. Không chỉ đối với những người nổi tiếng, mà ngay cả với các doanh nghiệp cũng cần phải tự bảo vệ chính mình bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà mình sở hữu.

Đưa điều khoản về nhãn hiệu vào tất cả các hợp đồng kinh doanh, thương mại

Có một thực tế rằng hiện nay, việc các đối tác kinh doanh lạm dụng và tìm cách “nẫng tay trên” nhãn hiệu đã không còn hiếm và nó xảy ra không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Việc chủ sở hữu nhãn hiệu đưa các điều khoản về phạm vi sử dụng, phạm vi nhượng quyền (nếu có), cấm đăng ký tại một nước thứ ba, bắt buộc phải thông báo trước và phải được “chính chủ” chấp nhận trước khi sử dụng nhãn hiệu trong bất cứ trường hợp nào… là rất cần thiết để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, đồng thời đây cũng là chứng cứ khi xảy ra tranh chấp.

Thường xuyên theo dõi thông tin và xử lý sớm mọi sự lạm dụng nhãn hiệu của mình

Cục Sở hữu trí tuệ hàng tháng xuất bản cuốn “Công báo sở hữu công nghiệp” (có cả bản điện tử) công bố tất cả các nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, sáng chế được đăng ký bảo hộ. Mục đích của việc công bố này chính là tạo cơ hội cho các chủ sở hữu thật sự của nhãn hiệu có thể phản đối, khiếu nại việc cấp văn bằng bảo hộ.

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, để có thể đảm bảo được quyền và lợi ích của mình trên môi trường Internet thì trước khi tiến hành bất kì hành động kinh doanh và kiếm lợi nào, cá nhân và doanh nghiệp cũng cần phải đưa nhiệm vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu lên làm nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu. Điều này không chỉ để phòng tránh việc vô tình xâm phạm quyền đối với chủ thể khác mà còn là cách để tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể gặp phải.

Nguồn:Pháp luật & Bản quyền

Tags: Nhãn hiệu, Xâm phạm quyền SHTT

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

 

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN

ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG

Bình luận bài viết

X