9 THAY ĐỔI NỔI BẬT CỦA LUẬT SHTT NĂM 2022 (Phần 1)

9 điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022

 

by Trần Tuyên, Thanh Hồng,

Thuỳ Linh, Thuý Hà, Quang Minh

ELITE LAW FIRM

Cập nhật: 15-8-2022

(Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5/2022, Quốc hội đã nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật để hoàn thiện và ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sẽ chính thức hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung 80 điều của 14 chương, gồm chương II, III, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XVI, XVIII, cụ thể như sau:

– Sửa đổi, bổ sung 67 điều: Điều 3, 4, 20, 21, 22, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 35, 36, 49, 50, 52, 55, 56, 60, 72, 73, 74, 75, 79, 80, 86, 88, 92, 95, 96, 97, 100, 103, 106, 109, 110, 112, 117, 121, 123, 124, 125, 128, 130, 139, 145, 146, 151, 153, 154, 155, 157, 158, 163, 165, 171, 176, 186, 188, 190, 198, 201, 211, 213, 216;

– Bổ sung 01 mục: Mục 5 Chương VIII;

– Bổ sung 13 điều: Điều 56a, 86a, 89a, 112a, 119a, 120b, 120c, 128a, 131a, 133a, 136a, 198a, 198b.

Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 (sau đây gọi là “Luật SHTT 2022”) có 18 chương và 235 điều, giữ nguyên số chương và tăng 13 điều so với Luật hiện hành. Để quý doanh nghiệp nắm được những thay đổi quan trọng trong việc đăng ký, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm khai thác tốt và hiệu quả hơn nữa các quyền SHTT của mình trong hoạt động kinh danh, nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững, ELITE Law Firm xin trân trọng giới thiệu tới quý doanh nghiệp một số điểm thay đổi theo chúng tôi là quan trọng và nổi bật nhất của Luật SHTT 2022 dưới dạng câu hỏi và trả lời để quý Doanh nghiệp tiện theo dõi.

 

Mục đích của việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, sửa đổi lần thứ ba của Luật SHTT ban hành năm 2005 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019) là gì?

 

Theo các nhà soạn thảo, mục đích đầu tiên của việc sửa đổi Luật SHTT 2022 là để hoàn thiện hơn nữa hệ thống các quy định bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam nhằm khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cao cho xã hội, cho cộng đồng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn, qua đó giúp Việt Nam tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ, kỹ thuật 4.0 để góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam một cách mạnh mẽ, vững chắc và văn minh.

(Nguồn ảnh: restart-project.eu)

Tiếp theo, một mục đích rất quan trọng nữa của việc sửa đổi Luật SHTT 2022 là để thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh các cam kết mà Việt Nam đã ký kết trong hai Hiệp định thương mại đa phương gần đây, gồm: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP mà Việt Nam được coi là một thành viên tích cực và có trách nhiệm.

 

1. Những điểm sửa đổi chính về việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là gì?

 

 

Luật SHTT sửa đổi năm 2022 có khá nhiều các điểm sửa đổi mang tính tích cực để bảo hộ mạnh mẽ và hiệu quả hơn đối với quyền tác giả và quyền liên quan. Chúng tôi xin điểm qua bốn điểm mới trong số các thay đổi về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

(i) Thứ nhất, định nghĩa về hành vi “Sao chép” được mở rộng hơn so với trước đây (khoản 10 Điều 4)

(Nguồn ảnh: bobby-parker.com)

 

Theo quy định mới sửa đổi tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT 2022 hành vi sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Theo đó, ngoài việc sao chép toàn bộ (100%) tác phẩm, luật mới đã mở rộng phạm vi đối với việc sao chép hoặc copy một phần, dưới 100%, tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào, bản sao dạng vật lý hoặc dạng file điện tử v.v. , cũng đều bị coi là hành vi sao chép. Với việc mở rộng khái niệm “sao chép” này thì các hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo Điều 28 và 35 Luật SHTT 2022 cũng sẽ được mở rộng tương ứng.

Ví dụ, theo quy định của Luật SHTT cũ, việc sao chép một nửa quyển sách hoặc một nửa bài hát hoặc một nửa bộ phim sẽ không bị coi là hành vi sao chép, nhưng theo quy định mới của Luật SHTT 2022 thì hành vi sao chép một phần tác phẩm này (trừ các trường hợp ngoại lệ) bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và bị xử lý nghiêm mình theo quy định mới.

Chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi khái niệm về “sao chép” này đem đến sự bảo hộ đối với quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam đã được mở rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với quy định trước đây, đáp ứng theo cam kết tại Hiệp định EVFTA và là chuẩn mực cao hàng đầu thế giới về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

 

(ii) Thứ hai, Luật SHTT 2022 quy định chi tiết và công nhận việc sử dụng các biện pháp công nghệ như là quyền tự tự vệ để chủ sở hữu quyền chủ động bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình (khoản 10b, khoản 10c, khoản 10d Điều 4)

 

(Nguồn ảnh: locklizard.com)

Tại khoản 10b, khoản 10c, khoản 10d Điều 4 Luật SHTT năm 2022 bổ sung thêm 03 định nghĩa chi tiết về các biện pháp công nghệ như là quyền tự bảo vệ để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan một cách chủ động của chủ sở hữu quyền, gồm: Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào để ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép), Biện pháp công nghệ hữu hiệu (biện pháp công nghệ để kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa) và Thông tin quản lý quyền (thông tin xác định về tác phẩm bản quyền và quyền liên quan gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm bản quyền và quyền liên quan để quản lý quyền) để bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Mục đích của các biện pháp này là để dễ dàng thu thập các bằng chứng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhằm xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi xâm phạm bản quyền, quyền liên quan đang diễn ra khá phổ biến, tràn lan hiện nay.

Trước đó tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật SHTT năm 2019 về quyền tự vệ đã quy định về việc chủ thể quyền tác giả có quyền áp dụng “biện pháp công nghệ” nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên lại không định nghĩa biện pháp như thế nào thì sẽ được coi là “biện pháp công nghệ”. Việc bổ sung những định nghĩa về biện pháp công nghệ đã làm rõ về cách hiểu về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền của tác giả, quyền liên quan.

Một số ví dụ về biện pháp công nghệ kiểm soát việc sử dụng tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

– Tác phẩm chỉ được phép đọc (sách điện tử, các bài viết trên các nền tảng website);

– Chặn tải xuống (đối với các nội dung phát trực tuyến),

– Chặn sao chép, in, ghi nhãn, và làm mờ hình (đối với các tác phẩm nhạc kỹ thuật số và phim) …

 

(iii) Thứ ba, Luật SHTT 2022 đã quy định rõ hơn về việc xác định tác giả và đồng tác giả (Điều 12a)

 

(Nguồn ảnh: gettyimage.com)

Quy định bổ sung này giúp việc xác định rõ tác giả, đồng tác giả nhằm giải quyết các tranh chấp cũng như hạn chế các tranh chấp phát sinh về vấn đề này trong quá trình khai thác, sử dụng, tác phẩm bản quyền và quyền liên quan.     

Đồng thời, theo quy định này của Luật SHTT 2022, theo quan điểm của chúng tôi, có thể hiểu rằng, Luật SHTT đã hạn chế việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm chỉ do chính con người tự nhiên trực tiếp sáng tạo ra, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc doanh nghiệp sở hữu hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) mà sáng tạo ra tác phẩm sẽ không được công nhận là tác giả theo quy định này.

Ngoài ra, trong thực tiễn đăng ký bảo hộ quyền tác giả hiện hành tại Việt Nam, chúng tôi thấy, Cơ quan đăng ký bảo hộ quyền tác giả Việt Nam chỉ chấp nhận, công nhận những cá nhân con người tự nhiên trực tiếp tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được đứng tên là tác giả, đồng tác giả của tác phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả tại Việt Nam. Nói cách khác, tác giả là doanh nghiệp hoặc cá nhân đang sở hữu hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không được coi là con người tự nhiên và không được công nhận là tác giả của tác phẩm theo Luật SHTT Việt Nam hiện nay. Đây là quan điểm và cách hiểu chủ quan của chúng tôi về quy định và thực tiễn áp dụng quy định về tác giả, đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và trao đổi về vấn đề này nếu có ý kiến phản biện khác về vấn đề này để chúng tôi có thể hiểu đúng mục đích và nội dung của quy định này.

(iv) Thứ tư, Luật SHTT năm 2022 cho phép chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên trong quyền nhân thân cho tổ chức các nhân khác như các quyền tài sản

(Nguồn ảnh: Freepik.com)

Quyền nhân thân bao gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Bên cạnh đó, tác giả không được chuyển quyền sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật SHTT 2022. Người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật SHTT 2022.

Như vậy, tương tự như quyền công bố tác phẩm – một trong bốn quyền nhân thân của quyền tác giả, Luật SHTT năm 2022 cũng đã mở rộng, cho phép chuyển quyền sử dụng đối với quyền đặt tên. Như vậy, theo Luật SHTT 2022, hai (02) trong số bốn (04) quyền nhân thân, bao gồm quyền đặt tên và quyền công bố tác phẩm được phép chuyển quyền sử dụng cho tổ chức,  cá nhân khác như các quyền tài sản của quyền tác giả, theo Điều 19, khoản 2 Điều 47 Luật SHTT 2022. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện linh hoạt hơn cho tác giả trong việc đặt tên các tác phẩm của mình, phù hợp hơn với sự phát triển trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

 

2. Các quy định về đăng ký bảo hộ đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích có những thay đổi gì quan trọng trong Luật SHTT 2022?

(Nguồn ảnh: baskent.co.uk)

Quy định về đăng ký bảo hộ đối với Sáng chế, Giải pháp hữu ích có những điểm mới như sau:

 

(i) Thứ nhất quy định rõ trong Luật về trường hợp bị mất tính mới của sáng chế

(Nguồn ảnh: ipintelligencereport.com)

Điều 60.1.b Luật SHTT 2022 quy định, Sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp sau đây: …b) Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.  Trước năm 2022, Luật SHTT chỉ quy định khái quát điều kiện của tính mới. Luật SHTT 2022 đã bổ sung thêm trường hợp mất tính mới này để hoàn thiện quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first-to-file principle).

Giờ đây, các tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế, phải cẩn trọng hơn trong việc tra cứu, đánh giá tính mới của sáng chế trước khi đăng ký, tránh trường hợp bị mất đi tính mới của sáng chế do thiếu thông tin. Đồng thời, Cơ quan thẩm định và đăng ký sáng chế cũng có cơ sở pháp lý rõ ràng để đánh giá tính mới của sáng chế. Mặt khác, quy định này cũng giảm thiểu việc phát sinh những tranh chấp về tính mới của sáng chế.

(ii) Thứ hai, quy định về việc bồi thường khi đối với các sáng chế về dược phẩm bị chậm cấp phép

 

(Nguồn ảnh: pharmaphorum.com)

Điều 131a Luật SHTT 2022 quy định: 1) Khi thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế đó tại Việt Nam bị chậm. 2) Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc hai năm, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ. Khoảng thời gian bị chậm được tính từ ngày đầu tiên sau khi kết thúc hai năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm nhận đủ hồ sơ đến khi có văn bản phản hồi lần đầu. 3) Thời gian chậm do lỗi của người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tính vào các khoảng thời gian quy định tại khoản 2 Điều này. 4) Trường hợp chủ Bằng độc quyền sáng chế đã nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian bị xem là chậm, số phí đã nộp sẽ được trừ vào kỳ duy trì hiệu lực tiếp theo hoặc hoàn trả. 5) Để không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ Bằng độc quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm. Đây là một trong những quy định mới được đưa vào Luật SHTT 2022 nhằm nội luật hóa các quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Có thể thấy rằng, mục đích chính của sự bổ sung quy định này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bằng sáng chế dược phẩm khi thủ tục đăng ký bị cơ quan nhà nước xử lý chậm hơn quy định, giúp chủ sở hữu sáng chế yên tâm, yên tâm không bị rủi ro, thiệt hại về lợi ích khi đơn bị xử lý chậm trái quy định, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam. Việc bổ sung điều khoản này cũng tạo động lực cho các tác giả, các nhà nghiên cứu tích cực cải tiến phương pháp, công nghệ để các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao, có tính ứng dụng thực tiễn cao đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế quốc gia.

(iii) Thứ ba, Bổ sung trường hợp đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ (tại Khoản 1a Điều 117)

 

(Nguồn ảnh: thuvienphapluat.vn)

Luật SHTT năm 2022 đã bổ sung cụ thể các trường hợp Đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp như: sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế; Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ trong bản mô tả sáng chế đến mức người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật có thể thực hiện được giải pháp nêu trong yêu cầu bảo hộ; Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đó trong trường hợp nộp đơn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 86 của Luật SHTT 2022; Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật SHTT 2022.

          Theo đó, quy định bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể ngay trong Luật cho việc thẩm định và cấp bằng độc quyền sáng chế. Đồng thời, đây cũng là căn cứ cụ thể cho việc hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế nếu bị cấp sai quy định.

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với quyền Kiểu dáng công nghiệp có thay đổi gì so với trước đây không?

(Nguồn ảnh: Mondayvietnam.com)

Quy định về đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có những thay đổi chính như sau:

(i) Thứ nhất, mở rộng phạm vi bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đối với một một bộ phận sản phẩm (tại khoản 13 Điều 4)

(Nguồn ảnh: Elite Law Firm)

Theo chúng tôi, các doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy, điện thoại cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cạnh tranh bằng hình thức kiểu dáng sản phẩm có thể thấy rõ sự thay đổi tích cực trong thủ tục bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với hình dáng bên ngoài của một một bộ phận sản phẩm. Theo đó, kể từ năm 2023, khi tiến hành đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các bộ phận, một phần thiết kế mới trong một chiếc xe ôtô, xe máy (VD: đèn pha, yếm xe máy, gương chiếu hậu…) thì các doanh nghiệp sẽ không phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho toàn bộ chiếc xe như trước đây mà chỉ cần đăng ký bảo hộ cho bộ phận hoặc một phần thiết kế mới đó. Quy định này được bổ sung để đáp ứng cam kết của Việt Nam trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong Hiệp định EVFTA. Quy định này được coi là đáp ứng đúng nhu cầu thực tế trong việc bảo hộ thành quả sáng tạo trong thiết kế, cải tiến hình dáng sản phẩm, cụ thể là các sản phẩm thường được nâng cấp, đổi mới từng bộ phận, từng chi tiết chính tạo sự khác biệt, hấp dẫn, lôi cuốn của sản phẩm theo từng năm chứ hiếm khi nhà sản xuất thay đổi toàn bộ kiểu dáng, hình thức sản phẩm. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc đánh giá yếu tố xâm phạm quyền độc quyền kiểu dáng công nghiệp trong thực tế.  

(ii) Thứ hai, chủ đơn có thể trì hoãn công bố và hiệu lực của kiểu dáng công nghiệp (theo khoản 3 Điều 110)

Theo khoản 3 Điều 110, Luật SHTT 2022, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá bảy tháng, kể từ ngày nộp đơn. Như vậy, theo quy định này, lần đầu tiên luật cho phép chủ đơn có thể trì hoãn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp lên tới 7 tháng với điều kiện người nộp đơn phải nộp yêu cầu công bố muộn tại thời điểm nộp đơn. Nếu không có yêu công bố muộn việc công bố, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ được công bố trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ như quy định.

Việc cho phép chủ đơn trì hoãn thời gian công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp giúp các chủ đơn linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh của mình. Phần nào hạn chế được tình trạng các phương án kinh doanh kiểu dáng công nghiệp bị công bố trên công báo trước khi doanh nghiệp muốn công khai thông tin của kiểu dáng công nghiệp trên thị trường.

4. Các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền đối với Nhãn hiệu có thay đổi gì không?

 

(i) Thứ nhất, bãi bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết (Điều 4.19 theo Luật SHTT trước đây)

 

(Nguồn ảnh: Elite Law Firm)

Theo quy định tại Luật SHTT hiện nay (luật SHTT 2005, sửa đổi 2009 và 2019), Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà làm luật, xét về bản chất, nhãn hiệu được dùng để phân biệt nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ với nhau. Vì thế, nếu các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau nhưng cùng một chủ sở hữu thì khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm sẽ không xảy ra. Do đó, các quy định về nhãn hiệu liên kết hiện nay đang làm phức tạp hóa quá trình thẩm định nhãn hiệu trong thủ tục xác lập và chuyển giao quyền. Hay nói cách khác, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu liên kết không có sự khác biệt so với cơ chế bảo hộ nhãn hiệu thông thường. Vì vậy không cần thiết phải giữ các quy định về nhãn hiệu liên kết. Do đó, Luật SHTT 2022 đã bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết.

(ii) Thứ hai, Sửa đổi phạm vi của quy định về nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 4.20 theo Luật SHTT 2022)

(Nguồn ảnh: davidsonbranding.com.au)

Thông thường, trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh sẽ có một số sản phẩm gắn nhãn hiệu/thương hiệu có uy tín, nổi tiếng, được người tiêu dùng của lĩnh vực đó biết đến rộng rãi, ví dụ: “3M” là nhãn hiệu/thương hiệu uy tín trong lĩnh vực vật liệu và hóa chất, “Apple” là thương hiệu số một trong lĩnh vực điện thoại và thiết bị điện tử, máy tính, “Zippo” là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng tiêu dùng (nổi bật là bật lửa cho người hút thuốc), “VISA” là nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính số (fintech), phần mềm tài chính, “SKF” là thương hiệu uy tín cho các sản phẩm vòng bi, phớt chặn và hệ thống bôi trơn trong các thiết bị công nghiệp, máy móc v.v. Do đó, việc một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc được nhiều người tiêu dùng biết đến trong mọi lĩnh vực là một đòi hỏi khắt khe và không phải đúng trong thực tế tiêu dùng và kinh doanh. Theo đó, đối với những thương hiệu nổi tiếng trong một phạm vi ngành nghề hẹp thì rất khó đáp ứng quy định “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam” theo Luật SHTT hiện hành  bởi vì sản phẩm gắn nhãn hiệu trong lĩnh vực, ngành nghề hẹp (như vòng bi cho máy móc, khung cửa nhôm (kính), khóa cho xe đạp ….) thì nhãn hiệu đó chỉ phổ biến đối với một tập khách hàng nhất định chứ không thể được biết đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, thực trạng áp dụng Luật SHTT năm 2009, sửa đổi, bổ sung 2019 cho thấy mặc dù quy định một nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng thì phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến rộng rãi nhưng trên thực tế các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 75 Luật SHTT) lại giới hạn ở “người tiêu dùng có liên quan”. Do vậy, Luật SHTT 2022 đã sửa đổi khái nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu dược bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam cho đúng với thực tế sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, nhãn hiệu nổi tiếng cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục SHTT) đánh giá và công nhận tiêu dựa trên một số hoặc đầy đủ 8 tiêu chí quy định tại Điều 75 sửa đổi theo Luật SHTT 2022, chứ không phải đáp ứng tất cả các tiêu chí trong mọi trường hợp đánh giá như trước đây.

(iii) Thứ ba, Nhãn hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa đã được bảo hộ theo Điều 72 Luật SHTT 2022 

Ngoài mục đích là nhằm thực hiện cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã tham gia, việc sửa đổi quy định này cũng là nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế trong việc bảo hộ nhãn hiệu trong thời đại công nghệ 4.0 và xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện chức năng phân biệt hàng hóa của một nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng. Bởi lẽ, âm thanh có tác động trực quan hơn so với các dấu hiệu khác, có thể chuyển những cảm xúc, đặc trưng của thương hiệu đến với người tiêu dùng, tạo mối liên kết sâu sắc hơn.

Có thể thấy việc Luật SHTT 2022 quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thông lệ quốc tế.

Đối với sự thay đổi này các doanh nghiệp đã có thể bảo hộ các dấu hiệu âm thanh độc đáo của mình dưới dạng nhãn hiệu, giúp tăng khả năng thu hút khách hàng hơn so với các nhãn hiệu thông thường.

(iv) Bổ sung trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (điểm h, i, k khoản 1 Điều 95)

(Từ “google” đã được từ điểm Cambridge định nghĩa là một động từ”, nguồn: Cambridge Dictionary)

Điều 95 (điểm h, i, k khoản 1), Luật SHTT 2022 đã bổ sung thêm căn cứ để chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu trong một số trường hợp sau:

  1. h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
  2. i) Nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
  3. k) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.

          Khi nhãn hiệu đã được người dùng, công chúng biết đến mức phổ biến như tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ, thì nó cũng mất đi chức năng phân biệt với các hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường. Một số ví dụ (đây là ví dụ chỉ mang tính minh họa, không phải trường hợp trong thực tế):

– Nếu nhãn hiệu Google  được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng như là một động từ có nghĩa như từ “tìm kiếm” và từ “Google” này được đưa vào từ điển tiếng Việt như là một từ tiếng Việt có nghĩa (là “”tìm kiếm”) thì trong trường hợp này, nhãn hiệu “Google” sẽ bị coi là mất chức năng, khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

– Một ví dụ khác, tại Việt Nam nếu nhãn hiệu Maggi của Nestle trở thành tên gọi phổ biến cho một loại nước tương thì nhãn hiệu Maggi đó cũng sẽ bị coi là mất chức năng, khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

Trong các ví dụ nêu trên, đăng ký nhãn hiệu sẽ bị rơi vào trường hợp bị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ theo Luật SHTT 2022 (Điều 95.1.i). Do đó, các doanh nghiệp, chủ văn bằng cần lưu ý về việc sử dụng nhãn hiệu đã được cấp văn bằng sao cho nhãn hiệu không trở nên phổ biến đến mức trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ đăng ký.

(Còn tiếp)

Từ khóa: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bài viết nổi bật

 

GIẢI QUYẾT TRANH QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN

ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG

 

CÔNG TY LUẬT ELITE – 255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

SĐT: 0243 7373 051 | Hotline/Zalo: 0988 746 527 | Email: info@lawfirmelite.com/vi

Bình luận bài viết

X