BẢN TIN SỞ HỮU TRÍ TUỆ THÁNG 7/2021

Tổng hợp bởi: ELITE LAW FIRM

bản tin tháng 7

ELITE LAW FIRM tổng hợp các thông tin về Sở hữu trí tuệ cập nhật tháng 7/2021. Mời quý khách hàng và quý bạn đọc theo dõi bản tin dưới đây: 

1. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” cho sản phẩm quả hồng sấy khô

Nguồn: Cục SHTT VN

Ngày 14/6/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2176/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00107 cho chỉ dẫn địa lý “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” cho sản phẩm quả hồng sấy khô. Minami Shinshu Agricultural Cooperative Association là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

bản tin sở hữu trí tuệ tháng 7

Quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” là một trong ba sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nằm trong Dự án thử nghiệm nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về Chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Nhật Bản được bảo hộ tại Việt Nam sau chỉ dẫn địa lý “KAGOSHIMA KUROUSHI/KAGOSHIMA WAGYU/THỊT BÒ KAGOSHIMA” cho sản phẩm thịt bò.

 Quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” ở tỉnh Nagano (Nhật Bản) đã có lịch sử sản xuất từ lâu đời. Người ta nói rằng, việc trồng hồng chát và sản xuất hồng sấy khô trên các que xiên đã được thực hiện tại thành phố Iida, huyện Shimoina, thị trấn Iijima và làng Nakagawa thuộc huyện Kamiina, tỉnh Nagano từ thời kỳ Kamakura. Giống của quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” là một cây hồng cổ nằm trong khuôn viên đền thờ Ise, đặt tại mảnh đất Shimoichida (Takamori – machi, Shimoina – gun, Nagano) vào những năm 1800. Chuyện kể rằng, người dân thấy quả hồng hái từ cây này có vị ngon khi nướng lên, nên cây hồng này được ghép và nhân giống ra khắp làng. Sau thời gian dài nghiên cứu và cải tiến từ phương pháp trồng trọt đến chế biến, quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” đã trở nên hoàn thiện với màu sắc và mùi vị tuyệt vời. Khi xuất hàng ra thị trường tại Tokyo vào năm 1921, nó đã được đặt tên là “ICHIDA GAKI” lấy tên từ nơi xuất xứ. Ngày nay, quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” trở thành một loại thực phẩm được bảo quản để ăn từ tháng 1 đến tháng 2 và đã trở thành truyền thống theo mùa của khu vực địa lý.

Khu vực địa lý:

 – Làng Nakagawa và thị trấn Iijima thuộc huyện Kamiina, tỉnh Nagano, Nhật Bản;

 – Huyện Shimoina, tỉnh Nagano, Nhật Bản;

 – Thành phố Iida, tỉnh Nagano, Nhật Bản

Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế

2. Tình trạng buôn bán nước hoa, mỹ phẩm, quần áo,… giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số lượng các vụ xâm phạm

Trong tháng vừa qua tại Việt Nam có khá nhiều vụ việc liên quan tới buôn bán nước hoa, mỹ phẩm, quần áo, thậm chí cả bộ kit test COVID-19 giả mạo nhãn hiệu đã xảy ra. Các vụ việc đó sẽ được chúng tôi tổng hợp dưới đây:

Ngày 03/6, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19  Antigen Test Cassetle”. Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung “HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA”. Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Theo ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ – Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), các kit test nhanh bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng.

bản tin sở hữu trí tuệ tháng 7

Ngày 04/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh (tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai) hơn 50 triệu đồng vì bán hàng giả. Đây là cửa hàng của bà Tạ Thị Quỳnh Anh là vợ của Lê Dương Bảo Lâm – nam diễn viên hài nổi tiếng ở Việt Nam. Cửa hàng này kinh doanh hơn 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trong đó có sản phẩm nước hoa giả nhãn hiệu Gucci và Chanel.

Ngày 07/6, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện đường dây sản xuất, tiêu thụ các loại mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, thu giữ gần 1 tấn mỹ phẩm được đóng trong 1.500 thùng lớn và nhiều máy móc công cụ, phương tiện để gắn nhãn hiệu “DAKAMI”. Sau đó, Công an Quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với các đối tượng vi phạm để làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Gần 1 tấn mỹ phẩm giả nhãn hiệu DAKAMI bị Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, thu giữ tại kho của nhóm đối tượng.

Ngày 11/6, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 6 – Cục QLTT TP. Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH thương mại vận tải ALT, địa chỉ kinh doanh tại quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan, với tổng 2.255 sản phẩm các loại gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kem dưỡng da, sửa rửa mặt, đèn led, nước hoa Chanel, Boss, Levis và tem thẻ giấy nhãn Gucci. Đội QLTT số 1 đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/6, Đội Quản lý thị trường số 11 – Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thanh Oai, bất ngờ ập vào kho hàng nghi có dấu hiệu sản xuất mỹ phẩm giả mang thương hiệu nước ngoài. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp,… mang nhãn hiệu COCO CHANEL, COLLAGEN X12 OLIVE, Pink Lady Shower,… Các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau, và được đựng trong các xô, chậu. Thống kê tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 chai, lọ sữa tắm, mỹ phẩm và 2.300kg dầu gội đầu không rõ nguồn gốc. Toàn bộ hàng hóa tại cơ sở không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo nhãn hiệu.

Ngày 22/6, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thực hiện cuộc ‘tổng tấn công’ quy mô lớn vào các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ hàng chục tấn sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử. Cuộc “tổng tấn công” này nhắm trực tiếp vào 8 kho hàng livestream khủng, là một trong những vụ kiểm tra có quy mô lớn có tính chất liên tỉnh được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp Tổng cục Quản lý thị trường.

Ngày 24/6, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Công an phường Hàng Bồ đột xuất kiểm tra Cửa hàng kinh doanh JENNIFER NHU LUXURY có tại địa chỉ tại 91 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Đây được coi là một trong những điểm phân phối sản phẩm nước hoa lớn trên thị trường Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa, đồng thời có hành vi không hợp tác với Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 14 sau đó đã phát hiện và tiến hành các thủ tục tạm giữ 4.250 sản phẩm nước hoa các loại mang nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior,… để xác định dấu hiệu thật, giả của hàng hóa. Theo niêm yết, số hàng trên ước tính có giá trị hàng tỷ đồng.

Hà Nội: Thu giữ hàng ngàn lọ nước hoa dán nhãn Gucci, D&G, Chanel, Dior... - Ảnh 1.

3.Facebook kiện 4 người sống tại Việt Nam tấn công chiếm đoạt tài khoản

Nguồn: Cafefvn

Facebook vừa đâm đơn kiện 4 người sống tại Việt Nam vì hành vi tấn công chiếm đoạt tài khoản và chạy quảng cáo trái phép trị giá hơn 36 triệu USD.

Kích thước ảnh quảng cáo facebook chuẩn nhất năm 2021

Trong blog đăng ngày 29/6, Facebook cho biết đã nộp hai đơn kiện chống lại các đối tượng vi phạm Chính sách và Điều khoản Quảng cáo. Bị đơn trong vụ kiện đầu tiên là một công ty tiếp thị California và các đại lý. Vụ kiện thứ hai có bị đơn là một nhóm người sống tại Việt Nam, chuyên tấn công chiếm đoạt tài khoản để chạy quảng cáo trái phép.

Theo Giám đốc Thực thi và Kiện tụng Facebook Jessica Romero, 4 cá nhân sống tại Việt Nam – N.H.T, L.K, N.Q.B và P.H.D – sử dụng kỹ thuật “đánh cắp cookie” hay “đánh cắp session” để xâm phạm tài khoản các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị. Sau đó, họ chạy quảng cáo trái phép. Blog Facebook khẳng định các nạn nhân bị lừa đảo, dẫn tới mất tài khoản sau khi cài đặt ứng dụng từ Google Play Store có tên “Ad Manager for Facebook”. Hiện ứng dụng đã bị Google gỡ bỏ.

Một khi tải về “Ad Manager for Facebook”, nạn nhân sẽ chia sẻ thông tin đăng nhập Facebook cùng các thông tin khác. Thủ phạm sử dụng thông tin này để truy cập tài khoản rồi chạy quảng cáo. Trong một vài trường hợp là quảng bá lừa đảo trực tuyến.

Theo bà Romero, nhóm chạy hơn 36 triệu USD quảng cáo trái phép. Facebook đã hoàn tiền cho nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản. Facebook cho biết đang tìm cách vạch trần toàn bộ hành vi của 4 thủ phạm, buộc các đối tượng phải chịu trách nhiệm vì viết ứng dụng “Ad Manager for Facebook”, lừa mọi người cài đặt, xâm phạm tài khoản rồi dùng chúng để chạy quảng cáo trái phép.

Theo Facebook, đây là vụ kiện thứ hai của công ty chống lại tấn công chiếm đoạt tài khoản. Vụ kiện đầu tiên xảy ra vào tháng 12/2019, trong đó bị đơn lừa mọi người cài đặt mã độc trên Internet. Mã độc cho phép bị đơn xâm phạm tài khoản Facebook nạn nhân, chạy quảng cáo trái phép nhằm quảng bá các mặt hàng như hàng giả, hàng nhái, thuốc giảm cân.

 

Từ khóa: Bản tin Sở hữu trí tuệ, ELITE LAW,  ELITE LAW FIRM, hàng giả mạo nhãn hiệu, hành vi xâm phạm nhãn hiệu, nhãn hiệu

 

Công ty Luật TNHH ELITE

Địa chỉ:       255 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: +84 24 3737 3051

Email:          info@lawfirmelite.com/vi

bản tin sở hữu trí tuệ tháng 7

Bình luận bài viết

X