TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM

TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM

Hệ thống sáng chế tại Việt Nam

Hệ thống sáng chế tại Việt Nam

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)
  • Luật Dân sự Việt Nam 2015

II. BẢO HỘ SÁNG CHẾ 

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Có tính mới;
  2. Có trình độ sáng tạo;
  3. Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Có tính mới
  2. Có khả năng áp dụng công nghiệp

1.Tính mới 

Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên

Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ công khai nếu được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trước tiếp hoặc gián tiếp bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế  tại Việt Nam được nộp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ.

2. Trình độ sáng tạo của sáng chế

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức sử dụng nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ trong trường hợp “được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trước tiếp hoặc gián tiếp bộc lộ công khai” và “được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyèn đăng ký nộp” không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.

3. Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dụng của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

4. Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

– Cách thức thể hiện thông tin;

– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

– Giống thực vật, giống động vật;

– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

5. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng trong đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, sáng chế tại Việt Nam. 

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

6. Nguyên tắc ưu tiên

Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thỏa thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Quyền sử dụng trước đối với sáng chế 

a. Trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

b. Người có quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho phép.

8. Nghĩa vụ sử dụng sáng chế

Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Nếu chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó khi có bất kỳ nhu cầu nào nêu trên, cơ quan nhà nước có thể cấp giấy phép sử dụng sáng chế cho người khác.

III. ĐĂNG KÝ BẢO HỘ SÁNG CHẾ 

1.Đối với đơn PCT

Tài liệu yêu cầu:

  1. Thông tin chủ đơn/tác giả
  2. Thông tin về số đơn PCT hoặc số Công bố đơn WIPO
  3. Bản sao bản mô tả sửa đổi (nếu có) để vào giai đoạn quốc gia
  4. Giấy ủy quyền đã ký của người nộp đơn chỉ định ELITE LAW FIRM làm đại diện tại Việt Nam
  5. Chứng thư chuyển nhượng đã ký, nếu người nộp đơn không phải là người nộp đơn quốc tế.

Lưu ý:

  • Ngôn ngữ: tiếng Việt
  • Bản gốc của tài liệu mục (4) và (5) được yêu cầu trong vòng 34 tháng kể từ ngày ưu tiên

Không yêu cầu công chứng; và

  • Thời hạn vào giai đoạn nộp đơn quốc gia theo Chương I và chương II là 31 tháng kể từ ngày ưu tiên (ngày nộp đơn đầu tiên) 

2.Đối với đơn sáng chế thường

Tài liệu yêu cầu:

  1. Thông tin chủ đơn/tác gỉa
  2. Bản sao bản mô tả (tiếng Anh)
  3. Tài liệu ưu tiên trong trường hợp yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Thông tin: số đơn, ngày nộp đơn, nước nộp đơn
  1. Giấy ủy quyền đã ký của người nộp đơn chỉ định ELITE LAW FIRM làm đại diện tại Việt Nam
  2. Chứng thư chuyển nhượng đã ký, trong trường hợp:
  • Người nộp đơn là các nhân không phải là tác giả sáng chế; hoặc
  • Người nộp đơn là tổ chức không phải người nộp đơn ưu tiên

Lưu ý:

  • Ngôn ngữ: tiếng Việt
  • Bản gốc được chứng thực của tài liệu mục (3) được yêu cầu trong vòng 03 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế; và
  • Tài liệu gốc tại mục (4) và (5) được yêu cầu trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Không yêu cầu công chứng.

3.Yêu cầu thẩm định nội dung

  • Hạn chót yêu cầu thẩm định nội dung là 42 tháng đối với sáng chế và 36 tháng đối với giải pháp hữu ích kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn.
  • Phí yêu cầu thẩm định nội dung phụ thuộc vào số điểm yêu cầu bảo hộ độc lập và số trang của bản mô tả.

4.Thời hạn thẩm định

Thẩm định hình thức:

  • Đối với đơn PCT: 
  • Thời hạn 1 tháng kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ 32 kể từ ngày ưu tiên sớm nhất của đơn PCT (trong trường hợp đủ tài liệu)
  • 01 tháng nếu nộp bổ sung tài liệu sau
  • Đối với đơn sáng chế thường: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn

Công bố đơn:

  • Đối với đơn PCT: 02 tháng kể từ ngày có quyết định hợp lệ
  • Đối với đơn sáng chế thường: (tùy theo ngày nào muộn hơn)
  • 19 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc kể từ ngày nộp đơn (nếu không có đơn ưu tiên)
  • 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ

Thẩm định nội dung: 18 tháng kể từ ngày công bố đơn (nếu nộp yêu cầu thẩm định nội dung trước khi có công báo) hoặc kể từ ngày có yêu cầu (nếu nộp yêu cầu thẩm định sau khi có công báo).

Cấp bằng: 15 ngày kể từ khi nộp phí cấp bằng

Thời gian dự kiến để có bằng theo thực tế: từ 30-42 tháng kể từ ngày nộp đơn tại Việt Nam

5.Hiệu lực và duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực tính từ ngày cấp bằng và và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực tính từ ngày cấp bằng và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Để duy trì hiệu lực Bằng ĐQSC tại Việt Nam, chủ sở hữu Bằng ĐQSC phải trả phí duy trì hàng năm kể từ ngày cấp bằng. Nếu chủ sở hữu không trả phí duy trì trước hoặc trong thời hạn quy định, hiệu lực của Bằng ĐQSC sẽ hết hiệu lực/tự động chấm dứt kể từ ngày đầu tiên của năm mà lệ phí duy trì hàng năm chưa được đóng. Thời gian 6 tháng ân hạn được áp dụng đối với việc trả phí duy trì muộn tại Việt Nam. 

V. QUYỀN VÀ THỰC THI BẰNG ĐQSC

1. Quyền của chủ sở hữu 

Chủ sở hữu bằng sáng chế có các quyền sau đây:

  • Sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng sáng chế;
  • Ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế
  • Định đoạt sáng chế theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

2. Sử dụng Bằng độc quyền sáng chế 

Việc sử dụng Bằng ĐQSC bao gồm các hành động sau đây:

  1. Sản xuất sản phẩm được bảo hộ
  2. Áp dụng quy trình được bảo hộ
  3. Khai thác các công dụng của sản phẩm được bảo hộ hăọc sản phẩm thu được từ quá trình được bảo hộ
  4. Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm c
  5. Nhập khẩu sản phẩm quy định tại điểm c

3. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng Bằng ĐQSC

Chủ sở hữu Bằng ĐQSC có quyền ngăn cấm người khác khỏi việc sử dụng Bằng ĐQSC, trừ một số trường hợp sau:

  1. Sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;
  2. Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;
  3. Sử dụng sáng chế nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam
  4. Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước 
  5. Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện

4. Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế

Các hành vi dưới đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu Bằng ĐQSC

  1. Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu
  2. Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đề bù theo quy định về quyền tạm thời tại Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

5. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế 

a)    Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sáng chế của người khác sẽ phải chịu các biện pháp dân sự và / hoặc hành chính tùy theo tính chất và mức độ của hành vi xâm phạm đó.

b)    Trong trường hợp thích hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền áp dụng các biện pháp tạm thời, biện pháp kiểm soát liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật SHTT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quyền sáng chế tại Việt Nam

a)   Tòa án, thanh tra khoa học, hải quan, cảnh sát kinh tế, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sáng chế.

b)   Việc áp dụng biện pháp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp thích hợp, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật.

c)    Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền của Thanh tra Khoa học, Công an kinh tế, Hải quan và Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp thích hợp, các cơ quan nêu trên được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

d)   Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Lưu ý: đây là phần giới thiệu thông tin chung của Hệ thống Sáng chế tại Việt Nam của ELITE LAW FIRM và không phải là lời khuyên của chúng tôi cho một trường hợp cụ thể. Vui lòng liên hệ với Công ty chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn về trường hợp cụ thể của bạn để tránh mọi rủi ro pháp lý. Cảm ơn bạn!

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP – QUYỀN SHTT – NHANH CHÓNG

BẢO HỘ – QUYỀN SHTT – AN TOÀN

BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU BỀN VỮNG

CÔNG TY LUẬT ELITE – 255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

SĐT: 0243 7373 051 | Hotline/Zalo: 0988 746 527 | Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

X