Doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối diện với các rủi ro pháp lý nếu không kịp thời bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của mình?
Câu hỏi 1: Bảo hộ tài sản trí tuệ đem lại lợi ích gì cho các DN khởi nghiệp?
Trả lời:
Quyền sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp nói riêng có các quyền pháp lý rất quan trọng sau đây:
1.Thứ nhất, quyền ngăn cấm, xử lý người khác sao chép sản phẩm hoặc sử dụng trái phép thành quả sáng tạo của mình;
2.Thứ hai, quyền SHTT cho phép doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đưa sản phẩm ra thị trường một cách an toàn;
3.Thứ ba, quyền SHTT tạo ra uy tín thương hiệu và lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường nhằm nâng cao doanh số bán hàng;
4.Thứ tư, quyền SHTT tạo ra doanh thu (ổn định, thu nhập bị động) cho doanh nghiệp từ hoạt động khai thác quyền SHTT như li-xăng (cho thuê quyền sử dụng), Franchise/nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHTT.
Câu hỏi 2: Đăng ký bảo hộ giúp DN khởi nghiệp tránh được những rủi ro nào?
Trả lời:
1.Thứ nhất, có thể bị Đối thủ cạnh tranh “đánh cắp” tài sản trí tuệ có được từ hoạt động đầu tư bằng rất nhiều trí tuệ, thời gian và chi phí của họ;
2.Thứ hai, Doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường sẽ gặp rất nhiều rủi ro pháp lý: có thể bị xử lý hoặc kiện tụng về xâm phạm quyền SHTT;
3.Thứ ba, Doanh nghiệp có thể bị mất cơ hội tạo ra uy tín thương hiệu và lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường;
4.Thứ tư, Doanh nghiệp bị mất cơ hội có được doanh thu từ hoạt động khai thác quyền SHTT như li-xăng (cho thuê quyền sử dụng), Franchise/nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHTT.
Ví dụ, tình huống thực tiễn
-Vụ cà phê Trung Nguyên bị mất thương hiệu/nhãn hiệu tại Hoa Kỳ do đối tác lấy nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trước và Trung Nguyên phải mất hơn 2 năm mới lấy lại được quyền sở hữu đối với Nhãn hiệu của mình tốn rất nhiều chi phí và đặc biệt là cơ hội kinh doanh, không bán hàng được tại thị trường Mỹ đã bị mất đi mà không lấy lại được.
-Hay mới trong năm nay, Vụ việc gạo dấu hiệu ST25, giống gạo Việt Nam đã được bảo hộ là giống cây trồng mới, được giải thưởng danh giá “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu cũng đang bị một số Công ty tại Mỹ tự ý lấy nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trước. Hiện nay, DN của kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn phải đang vất vả trong cuộc chiến giành lại Thương hiệu của mình tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng và chúc cho kỹ sư Hồ Quang Cua chiến thắng trong cuộc chiến này.
Đó là những ví dụ, bài học thực tế cảnh tỉnh doanh nghiệp trong việc chậm tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh.
Câu hỏi 3: DN khởi nghiệp nên bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những loại tài sản sáng tạo nào?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, DN khởi nghiệp nên xác định các quyền SHTT do mình sáng tạo ra và tiến hành ngay việc đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những tài sản sáng tạo dưới đây:
1.Bảo hộ Bản quyền tác giả cho các các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, phần mềm máy tính;
2.Bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa/ nhãn hiệu dịch vụ cho tên thương mại/tên công ty, logo, nhãn hiệu sản phẩm;
3.Bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng, trang trí bên ngoài sản phẩm, bao gói sản phẩm, các họa tiết, hoa văn độc đáo trên sản phẩm;
4.Bảo hộ Sáng chế, giải pháp hữu ích cho các thiết bị, sản phẩm mới, cơ cấu máy móc, sản phẩm, chất hóa học mới, thuốc chữa bệnh mới, vaccine phòng bệnh mới… và giải pháp quy trình để tạo ra các cơ cấu, chất mới đó;
Câu hỏi 4: DN khởi nghiệp cần lưu ý gì khi đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình?
Trả lời:
1.Đối với bảo hộ bản quyền tác giả, các doanh nghiệp nên ký kết các thỏa thuận về nội dung giao việc, hợp đồng thuê sáng tạo tác phẩm, quy định định rõ về quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm trước khi đầu tư cho hoạt động sáng tạo và tiến hành đăng ký bảo hộ ngay khi tác phẩm hoàn thành.
2.Đối với thủ tục đăng ký nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần tiến hành việc tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu trước khi đăng ký để tránh rủi ro nếu nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ sau thời gian dài làm thủ tục đăng ký;
3.Đối với thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, các doanh nghiệp nên tận dụng kho dữ liệu khổng lồ về các sáng chế, kiểu dáng đã được bảo hộ và công bố trên kho dữ liệu tại website của Cục SHTT để đánh giá về tính mới, tính sáng tạo của ý tưởng, giải pháp kỹ thuật của mình trước khi tiến hành nghiên cứu sâu. Đồng thời, trước khi làm thủ tục đăng ký, các doanh nghiệp cũng nên tiến hành thủ tục tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ để tránh rủi ro nếu nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ sau thời gian dài làm thủ tục đăng ký cũng như có hướng sửa đổi, cải tiến giải pháp kỹ thuật của mình nâng cao khả năng bảo hộ.
4.Các Doanh nghiệp cũng lưu ý về giữ bí mật, không bộc lộ về công nghệ của mình trên các phương tiện truyền thông như báo, website hoặc triển lãm hoặc bán hàng ra thị trưởng để tránh bị mất tính mới trước khi đăng ký bảo hộ.
5.Xin lưu ý chung đối với doanh nghiệp trong quá trình xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là: Doanh nghiệp nên xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ của mình càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Từ khóa: Bài viết nổi bật, Trợ giúp pháp lý
Nguồn: Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025
GIẢI QUYẾT TRANH QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ
BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN
ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG
CÔNG TY LUẬT ELITE – 255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
SĐT: 0243 7373 051 | Hotline/Zalo: 0988 746 527 | Email: info@lawfirmelite.com/vi