Luật SHTT 2022: Những thay đổi về nhãn hiệu và tác động đối với Doanh nghiệp

1. Tạo điều kiện trong việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng

 

 

Thông thường, trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh sẽ có một số sản phẩm gắn nhãn hiệu/thương hiệu có uy tín, nổi tiếng, được người tiêu dùng của lĩnh vực đó biết đến rộng rãi, ví dụ: “3M” là nhãn hiệu/thương hiệu uy tín trong lĩnh vực vật liệu và hóa chất, “Apple” là thương hiệu số một trong lĩnh vực điện thoại và thiết bị điện tử, máy tính, “Zippo” là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng tiêu dùng (nổi bật là bật lửa cho người hút thuốc), “VISA” là nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính số (fintech), phần mềm tài chính, “SKF” là thương hiệu uy tín cho các sản phẩm vòng bi, phớt chặn và hệ thống bôi trơn trong các thiết bị công nghiệp, máy móc v.v. Do đó, việc một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc được nhiều người tiêu dùng biết đến trong mọi lĩnh vực là một đòi hỏi khắt khe và không phải đúng trong thực tế tiêu dùng và kinh doanh. Theo đó, đối với những thương hiệu nổi tiếng trong một phạm vi ngành nghề hẹp thì rất khó đáp ứng quy định “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam” theo Luật SHTT hiện hành  bởi vì sản phẩm gắn nhãn hiệu trong lĩnh vực, ngành nghề hẹp (như vòng bi cho máy móc, khung cửa nhôm (kính), khóa cho xe đạp ….) thì nhãn hiệu đó chỉ phổ biến đối với một tập khách hàng nhất định chứ không thể được biết đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

Mặt khác, thực trạng áp dụng Luật SHTT năm 2009, sửa đổi, bổ sung 2019 cho thấy mặc dù quy định một nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng thì phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến rộng rãi nhưng trên thực tế các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 76 Luật SHTT) lại giới hạn ở “người tiêu dùng có liên quan”. Do vậy, Luật SHTT 2022 đã sửa đổi khái nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu dược bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam cho đúng với thực tế sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, nhãn hiệu nổi tiếng cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục SHTT) đánh giá và công nhận tiêu dựa trên một số hoặc đầy đủ 8 tiêu chí quy định tại Điều 75 sửa đổi theo Luật SHTT 2022, chứ không phải đáp ứng tất cả các tiêu chí trong mọi trường hợp đánh giá như trước đây.

 

2. Nhãn hiệu âm thanh đã chính thức được bảo hộ

 

 

Ngoài mục đích là nhằm thực hiện cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã tham gia, việc sửa đổi quy định này cũng là nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế trong việc bảo hộ nhãn hiệu trong thời đại công nghệ 4.0 và xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

 

Nhãn hiệu âm thanh không chỉ thể hiện chức năng phân biệt hàng hóa của một nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp mà còn góp phần tăng khả năng thu hút khách hàng. Bởi lẽ, âm thanh có tác động trực quan hơn so với các dấu hiệu khác, có thể chuyển những cảm xúc, đặc trưng của thương hiệu đến với người tiêu dùng, tạo mối liên kết sâu sắc hơn.

 

Có thể thấy việc Luật SHTT 2022 quy định bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thông lệ quốc tế. Từ năm 2023, ngoài những dấu hiệu về thị giác có thể đăng ký bảo hộ làm nhãn hiệu, Quý Doanh nghiệp cón có thể lựa chon thêm dấu hiệu về thính giác làm nhãn hiệu độc quyền. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và quan trọng đối với các Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và truyền thông cũng như hoạt động kinh doanh trên môi trường Internet và thương mại điện tử.

 

3. Bổ sung trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

 

 

Điều 95 (điểm I khoản 1), Luật SHTT 2022 đã bổ sung thêm căn cứ để chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu trong một số trường hợp sau:

 

     i) Nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;

 

Khi nhãn hiệu đã được người dùng, công chúng biết đến mức phổ biến như tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ, thì nó cũng mất đi chức năng phân biệt với các hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường. Một số ví dụ (đây là ví dụ chỉ mang tính minh họa, không phải trường hợp trong thực tế):

 

– Nếu nhãn hiệu Google  được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng như là một động từ có nghĩa như từ “tìm kiếm” và từ “Google” này được đưa vào từ điển tiếng Việt như là một từ tiếng Việt có nghĩa (là “”tìm kiếm”) thì trong trường hợp này, nhãn hiệu “Google” sẽ bị coi là mất chức năng, khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

 

– Một ví dụ khác, tại Việt Nam nếu nhãn hiệu Maggi của Nestle trở thành tên gọi phổ biến cho một loại nước tương thì nhãn hiệu Maggi đó cũng sẽ bị coi là mất chức năng, khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

 

Do đó, các doanh nghiệp, chủ văn bằng cần lưu ý về việc sử dụng nhãn hiệu đã được cấp văn bằng sao cho nhãn hiệu không trở nên phổ biến đến mức trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ đăng ký.

 

Từ khóa: Nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, bài viết nổi bật

 

GIẢI QUYẾT TRANH QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN

ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG

 

CÔNG TY LUẬT ELITE – 255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

SĐT: 0243 7373 051 | Hotline/Zalo: 0988 746 527 | Email: info@lawfirmelite.com/vi

Bình luận bài viết

X