OpenAI và Microsoft bị tố vi phạm bản quyền tin tức

Mới đây, New York Times, một trong những tờ báo lớn nhất tại Mỹ, đã đệ đơn lên tòa án tố OpenAI và Microsoft vi phạm bản quyền. Vụ việc lại làm dấy lên các tranh cãi về vấn đề sử dụng tài nguyên dữ liệu trong đào tạo các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay.

Tờ New York Times hôm 27/12/2023 đã đệ đơn kiện OpenAI và Microsoft lên Tòa án quận Liên bang ở Manhattan với cáo buộc các công ty công nghệ đã vi phạm bản quyền hàng triệu bài báo do kênh tin tức này xuất bản nhằm mục đích đào tạo các chatbot tự động.

Sự kiện này đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến pháp lý ngày càng căng thẳng về việc sử dụng trái phép các tác phẩm đã xuất bản để đào tạo công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Với đơn kiện này, New York Times cũng là tổ chức truyền thông lớn đầu tiên của Mỹ kiện các công ty, những người tạo ra ChatGPT và các A.I. nền tảng, về các vấn đề bản quyền liên quan đến các tác phẩm báo chí.

Vụ kiện không đưa ra các yêu cầu bồi thường tài chính, nhưng phía cơ quan truyền thông nói rằng OpenAI và Microsoft phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại thực tế và theo luật định với số tiền lên tới hàng tỷ đô la liên quan đến “việc sao chép và sử dụng bất hợp pháp các tác phẩm độc quyền” của New York Times.

Nội dung đệ trình lên toàn án cũng kêu gọi các công ty loại bỏ các mô hình chatbot AI sử dụng tài liệu có bản quyền từ tờ báo để đào tạo.

Trong đơn khiếu nại của mình, tờ New York Times cho biết họ đã tiếp cận Microsoft và OpenAI vào tháng 4/2023 để nêu lên mối lo ngại về việc các tài sản trí tuệ của họ bị sử dụng trái phép và tìm kiếm “một giải pháp thân thiện”, có thể liên quan đến một thỏa thuận thương mại và loại bỏ “các rào cản công nghệ” xung quanh AI đối với các sản phẩm. Tuy nhiên, các nỗ lực đàm phán đã không giúp các bên đạt được nhận thức chung.

Liên quan tới sự kiện New York Times đệ đơn lên tòa án, người phát ngôn của OpenAI, Lindsey Held, cho biết, công ty đã cố gắng thực hiện các nỗ lực mang tính xây dựng trong các cuộc trò chuyện với cơ quan tin tức và họ “ngạc nhiên và thất vọng” trước vụ kiện.

“Chúng tôi luôn tôn trọng quyền của người sáng tạo, chủ sở hữu nội dung và cam kết hợp tác với họ nhằm đảm bảo họ được hưởng lợi từ công nghệ AI và các mô hình doanh thu mới,” bà Held nói. “Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp hợp tác cùng có lợi, như chúng tôi đang làm với nhiều nhà xuất bản khác”.

Về phía Microsoft, công ty hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc.

Vụ kiện được cho rằng có thể mang tới lợi ích lớn cho các cơ quan báo chí, tin tức trong kỷ nguyên bùng nổ của AI.

Dữ liệu rất quan trọng để phát triển công nghệ AI – có thể tự tạo ra văn bản, hình ảnh và các phương tiện khác – và cho mô hình kinh doanh của các công ty thực hiện công việc đó.

Hiện nay, trong trong các vụ kiện liên quan tới công nghệ AI, học thuyết “sử dụng hợp pháp” trong luật sở hữu trí tuệ cho phép người sáng tạo xây dựng dựa trên tác phẩm có bản quyền đang là yếu tố quan trọng giúp các công ty công nghệ phát triển AI thoát khỏi các cáo buộc liên quan tới bản quyền. Tuy nhiên, quá trình này cũng làm hao tốn lượng lớn thời gian và công sức khi bị đơn phải chứng minh rằng họ đã biến đổi nội dung một cách đáng kể và không cạnh tranh trong cùng một thị trường với tư cách là sản phẩm thay thế cho tác phẩm của người sáng tạo ban đầu.

Ví dụ: một bài đánh giá trích dẫn các đoạn trong một cuốn sách có thể được coi là sử dụng hợp lý vì nó dựa trên nội dung đó để tạo ra tác phẩm mới, độc đáo. Mặt khác, việc bán các đoạn trích mở rộng từ cuốn sách có thể vi phạm pháp lý.

Các tòa án hiện nay vẫn chưa cân nhắc về cách áp dụng các tiêu chuẩn đó cho công cụ AI.

Ryan Abbott, luật sư tại Brown Neri Smith & Khan, người xử lý các vụ việc SHTT, cho biết: “Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng ở Hoa Kỳ về việc liệu đó có phải là vi phạm bản quyền hay đó là việc sử dụng hợp pháp. Trong khi chờ đợi, chúng ta có rất nhiều vụ kiện đang diễn ra với khả năng thiệt hại hàng tỷ USD”.

Có thể phải mất một thời gian nữa ngành công nghiệp này mới có được câu trả lời dứt khoát.

Các vụ kiện đặt ra những câu hỏi này đang ở giai đoạn kiện tụng ban đầu. Nếu họ không đưa ra được các thỏa thuận dàn xếp (như hầu hết các vụ kiện tụng đều xảy ra), có thể phải mất nhiều năm Tòa án mới ra phán quyết về vấn đề này. Những phán quyết đó có thể sẽ bị kháng cáo và các quyết định phúc thẩm có thể khác nhau tùy theo khu vực, điều này đặt vấn đề đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Việc có thển đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để giải quyết các cáo buộc tương tự sẽ là bước tiến lớn giúp các ông lớn bùng nổ hơn nữa trên đường đua phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

 

Nguồn: Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

 

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

Bình luận bài viết

X