Trách nhiệm bảo vệ bản quyền của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Nội dung bài viết

Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc sáng tạo nội dụng trên các nền tảng số ngày càng phát triển, cùng với đó kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. 

Mặc dù các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp sở hữu nội dung, mức độ hợp tác của các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian còn thấp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Xin chào Luật sư Nguyễn Trần Tuyên!

PV:Thưa Ông, từ thực tiễn hoạt động tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Ông đánh giá như thế nào về quy định trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian hiện nay?

LS. Tuyên: Theo quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2022 và Điều 112, 113, 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan, có thể thấy rất rõ 2 điểm về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) trong việc bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng internet như sau:

Thứ nhất, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều 198b Luật SHTT và các Điều 112, 113 và 114 của Nghị định17/2023 sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ gây ra.

Thứ hai, Nếu Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dụng quy định tại Điều 198b Luật SHTT, Điều 112, 113, 114 Nghị định 17/2023 sẽ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ gây ra.

PV:Một trong những nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên internet chính là việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Vậy, quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn này được quy định cụ thể như thế nào, Ông có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Theo quy định tại Điều 114 Nghị định 17/2023, quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

  • Bước 1: Chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan gửi yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 4 Điều này.
  • Bước 2: Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và thông báo cho bên yêu cầu và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu cung cấp.
  • Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số và thông báo theo quy định tại bước 2, nếu bên bị yêu cầu không phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó.
  • Bước 4: Trường hợp bên bị yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khôi phục lại nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp cho bên yêu cầu văn bản yêu cầu phản đối kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp.
  • Bước 5: Kể từ khi chuyển tiếp tài liệu, chứng cứ cho bên yêu cầu theo quy định tại bước 4 mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không tiến hành khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quyết định thụ lý đơn theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian duy trì khôi phục nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn.
 
  • Bước 6: Trường hợp Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thụ lý đơn của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

PV: Mặc dù đã có các quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, tuy nhiên, theo phản ánh của một bộ phận doanh nghiệp sáng tạo nội dung trên môi trường số, mức độ hợp tác của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên internet còn thấp. Vậy, từ thực tiễn hoạt động, Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Theo kinh nghiệm trong quá trình tư vấn cho khách hàng, tôi thấy rằng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp ISP và các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số chưa hiệu quả và chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp sáng tạo nội dung số Việt Nam có thể vì các lý do chính như sau:

  • Thứ nhất, các doanh nghiệp sáng tạo nội dung trên môi trường số của Việt Nam có thể chưa hiểu hết và tuân thủ các quy định về tranh chấp và giải quyết tranh chấp trên các nền tảng số của các doanh nghiệp ISP quy định nên nộp các đề nghị xử lý chưa đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp ISP chủ yếu là tập đoàn Công nghệ lớn của nước ngoài (như Mỹ, Trung Quốc….) như: Youtube (của Tập đoàn Google), Facebook (của Tập đoàn Meta), Tiktok (của Tập đoàn ByteDance), …. cung cấp các nền tảng số (cụ thể là các trang web) để các doanh nghiệp đăng các tác phẩm của mình trên đó theo kênh riêng của mình tạo lập trên đó cho để chia sẻ cho người (để người dùng xem). Theo đó, khi đăng tải các tác phẩm bản quyền dạng số trên các nền tảng số của các doanh nghiệp ISP này cũng như việc tuân thủ các quy định về bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan và giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan giữa các doanh nghiệp số này thì phải tuân theo đúng quy định (luật chơi) do các doanh nghiệp ISP này đã quy định khi doanh nghiệp mở/tạo lập kênh của mình. Do đó, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy định này của các doanh nghiệp ISP để thực hiện đúng quy trình giải quyết tranh chấp phát sinh, ví dụ luật áp dụng giải quyết các tranh chấp này họ quy định là theo Pháp luật của Mỹ hoặc của Anh hoặc của quốc gia mà nơi chủ sở hữu tác phẩm có bản quyền đặt trụ sở chính thì các doanh nghiệp cần căn cứ luật áp dụng đó để khởi kiện và giải quyết tranh chấp. Các doanh nghiệp ISP sẽ tuân thủ theo các phán quyết của quốc gia nơi luật áp dụng đó giải quyết (chứ không phải pháp luật Việt Nam).

  • Thứ hai, các doanh nghiệp sáng tạo nội dung trên môi trường số của Việt Nam có thể chưa hiểu rõ các quy định về các quy định, định nghĩa thế nào là các nội dung xâm phạm bản quyền trên các nền tảng mạng xã hội của các doanh nghiệp ISP nên vô tình vi phạm quy định của các nền tảng này nên bị xử lý. Theo đó, trong quá trình sáng tạo tác phẩm, có thể các doanh nghiệp sáng tạo nội dung do không hiểu quy định nên đã đưa (sao chép) một hoặc một số hình ảnh, âm thanh, kể cả với tỷ lệ rất nhỏ (thậm chí trong thời gian chưa quá 1 giây) của bên thứ ba khác vào tác phẩm của mình. Theo quy định, các phần nội dung này vẫn bị coi là sao chép một phần tác phẩm (hình ảnh, âm thanh) của bên thứ ba khác nên sẽ bị coi là xâm phạm bản quyền và bên thứ ba là chủ sở hữu tác phẩm bị xâm phạm (bị sao chép đó) có quyền đề nghị các doanh nghiệp ISP là chủ sở hữu nền tảng xã hội đó xử lý hành vi xâm phạm bản quyền của họ (các doanh nghiệp hay gọi là việc “chọc gậy”).

PV:Vậy, Ông có đề xuất gì trong việc hoàn thiện các quy định pháp lý cũng như liệu có một giải pháp nào đó để ràng buộc trách và nâng cao sự phối hợp của các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số hiện này, thưa Ông?

Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng đã nêu rõ hơn về trách nhiệm của Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả và trách nhiệm đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó, có nêu rõ quy trình thực hiện, sự phối hợp của Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, thời hạn Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần phản hồi các bên.

Đồng thời Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã có điều khoản đề xuất mức xử lý đối hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để ràng buộc trách nhiệm của các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bảo vệ quyền tác giả.

Tuy nhiên do Nghị định 17/2023/NĐ-CP mới có hiệu lực thi hành và Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chưa được thông qua nên các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Việt Nam vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ và chưa phối hợp với các bên liên quan một cách kịp thời…. Sau khi thông qua Nghị định, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Cục Bản quyền tác giả, các chủ thể quyền, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền, làm rõ quy trình trong việc bảo vệ, thực thi quyền tác giả trên các nền tảng số của Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để việc bảo vệ và thực thi để bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Xin cảm ơn Ông!

Nguồn: Tienphong

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

 

Bình luận bài viết

X