Hành vi xâm phạm nhãn hiệu là gì?
Theo quy định, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Sử dụng nhãn hiệu là gì?
Theo quy định, sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
- Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
- Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
- Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Hành vi vi phạm nhãn hiệu bị xử lý như thế nào?
- Xử lý bằng biện pháp hành chính
Theo quy định, mức phạt cao nhất với cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là 250.000.000 đồng. Mức phạt cao nhất với pháp nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là 500.000.000 đồng, cụ thể như sau:
- Xử lý bằng biện pháp dân sự
Theo quy định, Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Xử lý bằng biện pháp hình sự
Đối với cá nhân:
Theo quy định, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với tổ chức:
- Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
- Pháp nhân phạm tội các thuộc trường hợp sau:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Phí thực xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là bao nhiêu?
Về nguyên tắc, mức phí xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu phụ thuộc vào từng hồ sơ vụ việc cụ thể và được tính theo giờ luật sư. Bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hưởng mức phí hợp lý và ưu đãi nhất.
Với đội ngũ có chuyên môn sâu và hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên sáu Giá trị cốt lõi của mình, gồm: Chính trực, Thấu cảm, Trách nhiệm, Cẩn thận, Quyết tâm và Học hỏi, Chúng tôi (ELITE Law Firm) cam kết đồng hành cùng bạn và sẽ hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục này một cách thành công, nhanh chóng và tiết kiệm. Liên hệ chúng tôi ngay!
Đọc thêm bài viết liên quan
♦ Vi phạm sáng chế – Xử lý như thế nào?
♦ Vi phạm kiểu dáng công nghiệp – Xử lý như thế nào?
♦ Quy Định Đăng Ký Nhãn Hiệu Mới Nhất 2023
♦ Quy Định Đăng Ký Kiểu Dáng Công Nghiệp Mới Nhất 2023
♦ Quy Định Đăng Ký Sáng Chế Mới Nhất 2023