Xử lý hàng giả, hàng nhái không gian mạng

Trong khuôn khổ chương trình Kinh doanh và Pháp luật, Luật sư Nguyễn Trần Tuyên (ELITE Law Firm) đã chia sẻ những thông tin hữu ích về thực trạng, khó khăn và giải pháp xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Chúng tôi xin tóm lược những nội dung chính trong chương trình như sau.

Theo luật sư Nguyễn Trần Tuyên, căn cứ, cơ sở để xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT là gì?

Theo quy định của Luật SHTT tại Điều 129, thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ theo nhãn hiệu đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Đồng thời, về mặt kỹ thuật, Điều 72 của Nghị định 65/2023 hướng dẫn thi hành quy định này của Luật SHTT đã quy định rõ hơn: một hành vi khi có đủ 4 căn cứ sau đây sẽ bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu:

  1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi nhãn hiệu đang được bảo hộ của người khác;
  2. Có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu trong đối tượng bị xem xét;
  3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu và không có quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định;
  4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Hành vi cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng Internet và được thực hiện trên trang thông tin điện tử dưới tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt.

Hiện nay trên các sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện hàng giả sản phẩm thương hiệu. Vậy, Luật sư Tuyên đánh giá như thế nào về tính chất, mức độ hành vi xâm phạm này, thưa ông?

Về phía Doanh nghiệp: theo tôi tình trạng này là bằng chứng cho thấy 2 mặt của một vấn đề:

  • Mặt tích cực: khi một sản phẩm có thương hiệu bị làm giả/làm nhái, cho thấy sản phẩm đó đang bán chạy, được người tiêu dùng tin cậy, chiếm thị phần lớn…
  • Mặt tiêu cực:
    • Giảm doanh thu;
    • Giảm, mất thị phần;
    • Sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay;
    • Mất uy tín;
    • Có thể bị phá sản.

Do đó, doanh nghiệp chủ sở hữu nhãn hiệu có sản phẩm bị làm giả, nhái không nên chủ quan về vấn đề này, cần có biện pháp xử lý nhanh chóng, quyết liệt, triệt để trong việc xử lý hàng giả hàng nhái các sản phẩm của mình nhằm bảo vệ chính doanh nghiệp và quyền lợi khách hàng của mình (người tiêu dùng) và bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.

Về phía người tiêu dùng: cũng không nên vì lợi ích trước mắt mà thỏa hiệp, dung túng cho hiện tượng vi phạm pháp luật này, bằng cách vẫn mua sản phẩm, mà người tiêu dùng hãy vì quyền lợi của chính mình và xã hội về lâu dài, cần lên án, tẩy chay, không mua/ nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đối với các sản phẩm, hàng hóa có thể phải đối diện với trách nhiệm pháp lý gì, thưa Luật sư Tuyên?

Theo quy định, hành vi xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý bằng một hoặc nhiều biện pháp xử lý về hành chính, dân sự hoặc hình sự, cụ thể như sau:

  • Xử lý bằng biện pháp hành chính, cụ thể là thủ tục xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm nhãn hiệu, được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Nghị định 126/2021/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị Định 99/2013. Theo đó, đối với hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hoá, dịch vụ xâm phạm nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hoặc tối đa là 500 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm.
  • Xử lý bằng biện pháp dân sự, cụ thể là, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có quyền khởi kiện dân sự đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền của mình ra Tòa án để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây:
    • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
    • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
    • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
    • Buộc bồi thường thiệt hại;
    • Buộc tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

  • Xử lý bằng biện pháp hình sự: Theo quy định tại Điều 226 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó, hành vi xâm phạm nhãn hiệu cũng bị xử lý theo Điều này. Theo đó,
    • Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thì có thể bị Phạt tiền tối đa đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm;
    • Đối với tổ chức/pháp nhân thương mại mà xâm phạm nhãn hiệu thì có thể chịu mức Phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng hoặc Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm theo quy định.

Theo Luật sư, liệu còn có hạn chế, bất cập gì trong các quy định pháp luật cũng như thực thi khiến cho tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm SHTT vẫn còn phức tạp như vậy?

Theo tôi quy định pháp luật hiện hành về xử lý hàng giả, hàng nhái nói riêng và chế tài thực thi, bảo vệ quyền SHTT của chúng ta còn một số hạn chế chính cần khắc phục như sau:

  1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu/sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/bản quyền còn tương đối thấp, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng. Mức phạt cao nhất với pháp nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là 500.000.000 đồng. Thời gian tới, cần nâng cao mức xử phạt tiền để thể hiện sự nghiệm minh, sự răn đe, trừng phạt đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT.
  2. Khó thu thập bằng chứng xác định, chứng minh thiệt hại thực tế để bồi thường thiệt hại theo quy định tố tụng (hóa đơn VAT, định giá SP vi phạm) nếu khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu theo quy định của thủ tục tố tụng dân sự;
  3. Thủ tục thi hành Bản án & Quyết định của Tòa án phức tạp, thời gian dài và hiệu quả chưa cao.
  4. Khó lựa chọn cơ quan giải quyết, hiện nay theo quy định của pháp luật có 05 cơ quan có chức năng xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ: Thanh tra Khoa học công nghệ, Thanh tra thông tin truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND (cấp tỉnh, huyện), Tòa án. Nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm;
  5. Chưa có Tòa án chuyên trách Sở hữu trí tuệ chuyên xét xử các vụ kiện xâm phạm, tranh chấp về quyền sỡ hữu trí tuệ nói chung, tranh chấp về nhãn hiệu nói riêng nên thời gian xét xử các vụ kiện này bị kéo dài và chất lượng xét xử chưa đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu quyền và xã hội.
  6. Số lượng cơ quan giám định xâm phạm sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả còn ít (01 cơ quan giám định sở hữu công nghiệp và 01 cơ quan giám định bản quyền tác giả).

Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như trong thực thi để giúp các DN bảo vệ tốt hơn quyền SHTT của mình trước nạn hàng giả thưa Ông?

  1. Về phía Nhà Nước:
  • Cần hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật thực thi quyền SHTT theo hướng xử lý hiệu quả, triệt để và nhanh chóng nhằm tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh (đúng quy định PL VN và quốc tế) cho các chủ thể tham gia kinh doanh:
  • Nâng cao chế tài xử phạt VPHC: nâng cao mức phạt tiền đủ mức răn đe, ngăn chặn;
  • Bổ sung các quy định về bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế theo hướng sát thực tiễn KD VN và khả thi cho chủ sở hữu quyền;
  • Nâng cao hiệu quả thi hành bản án của Tòa;
  • Thu gọn đầu mối xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với biện pháp (thủ tục) xử lý vi phạm Hành chính (từ 6 cơ quan/đầu mối) về 1 hoặc 2 cơ quan có thẩm quyền;
  • Lập Tòa án chuyên trách về Sở hữu trí tuệ (Tòa Sở hữu trí tuệ) để xử lý các vụ việc tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT nhằm nâng cao hiệu quả xét xử và rút ngắn thời gian xét xử tại Tòa;
  • Tăng thêm số lượng giám định viên Sở hữu công nghiệp và giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan và cơ quan giám định xâm phạm sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan.
  1. Chủ sở hữu quyền (Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh cá thể):
  • Chủ động, tích cực và có chiến lược xử lý hàng giả, hàng nhái cùng quá trình kinh doanh, là 1 phần việc quan trọng trong hoạt động kinh doanh để bảo vệ quyền và lợi ích, uy tín của chính mình và khách hàng của mình;
  • Cần biết sử dụng chuyên gia để tư vấn, đánh giá, có phương án xử lý trước khi tiến hành thủ tục thực thi xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ;
  1. Người tiêu dùng:
  • Không nên vì lợi ích trước mắt mà thỏa hiệp, dung túng cho hiện tượng vi phạm PL này, bằng cách vẫn mua sản phẩm, mà người tiêu dùng hãy vì quyền lợi của chính mình và xã hội về lâu dài, cần lên án, tẩy chay, không mua/ nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.

Các DN cần làm gì và ứng xử như thế nào trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT thưa ông?

Theo tôi doanh nghiệp nên lưu ý những vấn đề sau để giải quyết hiệu quả vấn đề này trong kinh doanh.

  • Nhận thức của doanh nghiệp:
    • Trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp Việt Nam cần coi việc thực thi bảo vệ Quyền SHTT là một phần của quá trình kinh doanh ( Kinh doanh sản phẩm, đăng ký bảo hộ, tìm kiếm các hành vi xâm phạm, điều tra hành vi xâm phạm, thực thi). Doanh nghiệp cần xác định hoạt động xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT  là 1 phần việc quan trọng trong hoạt động kinh doanh để bảo vệ quyền và lợi ích, uy tín của chính mình và khách hàng của mình;
    • Chủ động, tích cực tìm kiếm, điều tra các hành vi xâm phạm Quyền Shtt của các đối thủ cạnh tranh.  DN nên sử dụng dịch vụ điều tra chuyên nghiệp nếu chưa có bộ phận này trong DN.
  • Doanh nghiệp cần tiến hành:
    • Tra cứu khả năng đăng ký, khả năng bị xâm phạm với các quyền SC, KDCN, NH, BQ của người khác trước khi nộp đơn đăng ký và
    • Nộp đơn đăng ký bảo hộ cho NH, BQ, SC, KDCN (các tài sản trí tuệ của mình) càng sớm càng tốt tại Cục SHTT, Cục BQ trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
  • Doanh nghiệp cũng nên sử dụng đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp về đại diện SHTT để triển khai cho hiệu quả và tiết kiệm nếu chưa có bộ phận chuyên trách vấn đề này trong doanh nghiệp.

Tôi xin Chúc các Doanh nghiệp hãy tận dụng các quy định bảo hộ quyền/tài sản SHTT của mình thành công cụ cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận 1 cách thật hiệu quả để góp phần Kinh doanh Thành công!

 

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Hotline: 0988.746.527 | ĐT: 024-37373051

Email: info@lawfirmelite.com/vi

 

 

Bình luận bài viết

X
Contents