Điều gì xảy ra khi trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo ra sáng chế?

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sáng chế

(Quang Minh, Tuyên Trần tóm lược)

Hội thảo trực tuyến với chủ đề “khi trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sáng chế” (“when AI invents”) đem đến nhiều câu hỏi rất thú vị nhưng không dễ trả lời về các quy định pháp lý bảo hộ cho thành quả sáng tạo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Hội thảo do APAA tổ chức dưới hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom tổ chức ngày 29/7/2022 với sự trình bày của các diễn giả uy tín, có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT, gồm: TS. Alexandra George (phó GS Luật, Khoa Luật và Thẩm phán, ĐH NewSouth Wale (UNSW), Australia), Luật sư sáng chế Hemant Singh (Inttl, Ấn Độ), Luật sư sáng chế Cyril Chan (Kim&Chang, Hàn Quốc), Luật sư Linda Wang (ZICO IP, Malaysia). Chúng tôi xin tóm lược những câu hỏi đặc biệt thú vị và những câu trả lời mở mang tính chia sẻ của các chuyên gia về lĩnh vực rất mới này để quý độc giả cùng suy nghĩ và trao đổi, thảo luận tiếp. Chúng tôi rất cảm ơn và sẵn lòng trao đổi, chia sẻ cùng các độc giả có câu hỏi hoặc bình luận ở cuối của bài viết này để chúng ta cùng có thêm góc nhìn, kiến thức về chủ đề thú vị này. Xin cảm ơn quý độc giả!

 

1. Ai là người chủ sở hữu quyền độc quyền sáng chế đối với một sáng chế do AI/trí tuệ nhận tạo tạo ra?

 

– Dr. Alexandara: Về vấn đề này hiện nay các Tòa án trên thế giới đang có xu hướng không công nhận AI (trí tuệ nhân tạo) là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế do A.I tạo ra. Hiện nay, chỉ có một số số lượng nhỏ các quốc gia công nhận A.I là chủ sở hữu của sáng chế như tòa án ở Châu Phi đưa ra phán quyết A.I có thể là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế. Một tòa án ở Đức cho rằng A.I và người tạo ra A.I sẽ là đồng thời là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế do A.I tạo ra.[1][2]

– LS Cryril Chan cho rằng, ai là người lên ý tưởng (khái niệm) nền tảng cho sáng chế thì chủ thể đó sẽ là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế (nhà sáng chế). Như vậy, nếu ý tưởng của sáng chế hoàn toàn do A.I tạo ra (không có sự can thiệp của con người) thì sáng chế đó sẽ do A.I sở hữu.

– LS Hemant Singh: Thực tế cho thấy, A.I có thể tiến hành hoạt động sáng tạo để tạo ra sáng chế. Tuy nhiên, để sáng chế đó được bảo hộ thì phải tiến hành đăng ký bảo hộ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng, A.I không thể tự đi nộp đơn đăng ký sáng chế nên về nguyên tắc, có thể tồn tại khả năng con người tự nhiên đi nộp đơn đăng ký bảo hộ cho sáng chế do A.I sáng tạo ra sẽ là chủ sở hữu của bằng độc quyền sáng chế. Ông cũng bổ sung thêm hiện nay Hiến pháp của các nước chưa quy định quyền của hệ thống A.I nên A.I buộc phải đăng ký bảo hộ thông qua con người tự nhiên. Lập luận của ông cho rằng văn bằng bảo hộ sáng chế (Patent) là một “phần thưởng” do các nhà nước trao cho các tác giả sáng chế để khai thác, sử dụng độc quyền và muốn được hưởng độc quyền này bắt buộc tác giả sáng chế (người tạo ra sáng chế) phải đăng ký với nhà nước. Vì lý do này, kể cả A.I có thực hiện 100% hoạt động sáng tạo để tạo ra sáng chế thì vẫn phải thông qua con người tự nhiên để đăng ký bảo hộ sáng chế theo quy định pháp luật. Do vậy, theo ông, người đăng ký văn bằng bảo hộ sáng chế do A.I sáng tạo sẽ là chủ sở hữu của sáng chế đó.

 

2. Liệu các lập trình viên phần mềm máy tính hoặc người viết ra chương trình phần mềm AI có quyền (sở hữu bằng sáng chế) không?

 

– Các chủ thể của câu hỏi này được mở rộng hơn bao gồm:

          Chủ thể thiết kế (xây dựng) hệ thống A.I

          Chủ thể sở hữu hệ thống A.I

          Chủ thể hướng dẫn (Guide) cho hệ thống A.I thực hiện hoạt động sáng tạo

– Dr. Alexandara cho rằng, chủ thể thiết kế hệ thống A.I sẽ là chủ sở hữu của sáng chế do A.I tạo ra.

– LS. Cyril Chan cho rằng, hệ thống A.I chỉ có thể tiến hành sáng tạo ra sáng chế khi được hướng dẫn, “cho ăn” bởi con người. Người thiết kế hệ thống A.I chỉ là phần khung sườn, còn những người hướng dẫn sẽ đóng góp thêm “thịt”. Thêm vào đó, diễn giả cũng chỉ ra rằng hiện nay tần suất áp dụng A.I là khác nhau trên từng lĩnh vực. Về sáng chế của A.I hiện nay đang được áp dụng nhiều trong ngành y tế. Người hướng dẫn sẽ cung cấp các thông tin về sáng chế vaccine cho A.I để hệ thống này đưa ra các sáng chế mới về vaccine.[1]

 

3.  Trí tuệ nhân tạo nên được coi là một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật khi giải quyết một sáng chế do AI tạo ra?

 

– LS Cyril Chan Giả định rằng có một hệ thống A.I có thể thu nạp toàn bộ kiến thức về sáng chế con người thì lúc đó sẽ không còn khái niệm một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật (“person skilled in the art”) nữa.

 

4. Liệu chúng ta có cần thiết kế một loại quyền mới về quyền SHTT hoặc một hệ thống sáng chế mới mà chỉ dành riêng cho việc giải quyết các sáng chế, sáng tạo do AI tạo ra hay không?

 

– LS Hemant Singh cho rằng Hiện tại chúng ta đã có đủ các nguyên tắc về SHTT để điểu chỉnh các sáng chế do A.I tạo ra rồi (nên không cần tạo ra các quy định riêng nữa?).

– Dr. Alexandara thấy rằng, cần phải bổ sung quy định pháp luật với sáng chế của A.I. Không quy định chung các sáng chế do A.I vào mục sáng chế thông thường do con người tự nhiên tạo ra. Luật SHTT cần phải có một chương riêng quy định về sáng chế do A.I sáng tạo.

– LS Linda Wang cho rằng, về nguyên tắc, các quy định của pháp luật sẽ thay đổi theo sự vận động, phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, hiện các quy định pháp luật của các quốc gia trên thế giới về A.I vẫn đang còn rất sơ khai và chưa đầy đủ. Thậm chí còn chưa có cả khái niệm A.I là gì (do đó, cần thiết kế một loại quyền mới về quyền SHTT hoặc một hệ thống sáng chế mới mà chỉ dành riêng cho việc giải quyết các sáng chế, sáng tạo do AI tạo ra.

 

GIẢI QUYẾT TRANH QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ AN TOÀN

ĐỂ KINH DOANH BỀN VỮNG, PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG

CÔNG TY LUẬT ELITE – 255 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

SĐT: 0243 7373 051 | Hotline/Zalo: 0988 746 527 | Email: info@lawfirmelite.com/vi

Bình luận bài viết

X
Contents