Cạnh tranh không lành mạnh là gì?

By ELITE LAW FIRM

Cạnh tranh là sự vận động bình thường của nền kinh tế. Trong chừng mực, cạnh tranh giúp các đối thủ trong cùng ngành, cùng lĩnh vực hỗ trợ nhau phát triển. Tuy nhiên, với những hành vi vượt qua những quy tắc, những chuẩn mực chung trên thị trường sẽ dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết để giúp các thành phần kinh tế cạnh tranh một cách công bằng, bình đẳng, cùng phát triển.

Khái niệm

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. (theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018)

Các yếu tố để xác định được hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Một hành vi được xem là cạnh tranh không lành mạnh, cần được xem xét nhiều yếu tố khác nhau để đánh giá có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh và xác định mức độ thiệt hại cụ thể. Các yếu tố này thường được xem xét gián tiếp thông qua các lĩnh vực liên quan và trực tiếp dựa trên quy định của pháp luật:

  • Thị trường liên quan và thị phần: xác định thị trường liên quan và thị phần là yếu tố quan trọng để đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Một doanh nghiệp chỉ mới hoạt động một năm mà có thị phần cao hơn rất nhiều lần với các doanh nghiệp cùng ngành là ví dụ điển hình cho việc cần xem xét có hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không?

Ngoài ra, các rào cản ra nhập thị trường cũng hỗ trợ cho việc xem xét yếu tố thị phần của doanh nghiệp. 

Ví dụ: chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ; đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ… là các yếu tố thuộc quyền Sở hữu công nghiệp, nhưng lại liên quan mật thiết đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có thể đem đến cho doanh nghiệp thị phần lớn trên thị trường dù mới thành lập. Rào cản này sẽ giúp đánh giá mức độ của hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi mới ra nhập thị trường. Đây là những hành vi điển hình được quy định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới góc độ pháp luật Sở hữu trí tuệ tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: việc thỏa thuận khiến cho doanh nghiệp này không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp kia được coi là yếu tố xem xét hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
  • Có hay không việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền: với nhiều năm hoạt động và thị phần sẵn có trên thị trường, rất dễ dàng cho các doanh nghiệp lâu năm có những hành vi tác động tới giả cả, sản xuất, phân phối…làm cho sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khác không tiêu thụ được là yếu tố xem xét việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
  • Tập trung kinh tế: các thương vụ M&A (hợp nhất, sáp nhập) giữa các công ty với nhau thành một khối kinh tế bền vững hơn, cũng là một trong những yếu tố được xem xét tới.
  • Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của pháp luật: Điều 45 Luật cạnh tranh 2018 đã quy định chi tiết những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, cụ thể là:

i) Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

ii) Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

iii) Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

iv) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

v) Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

  • Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
  • So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

vi) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

vii) Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh

  • Nhãn hàng nước uống tinh khiết A cho quảng cáo so sánh về sản phẩm của mình có độ PH thấp hơn sản phẩm nước uống tinh khiết của Nhãn hàng B.
  • C và D là hai nhãn hàng thời trang có thị phần trên thị trường cùng có địa chỉ tại Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Nhân ngày Lễ tình nhân năm nay, C tung ra chương trình giảm giá 75% đối với các mặt hàng kèm mua 2 tặng 1 làm cho lượng khách hàng của D giảm sâu so với các đợt Lễ tình nhân mọi năm.
  • Hãng Z chuyên cung cấp nhiên liệu cho máy bay của các hãng hàng không trong nước. Tuy nhiên, Z áp dụng chính sách bán nhiên liệu cho hãng hàng không M giá cao gấp 2 lần so với hãng hàng không L.
  • Doanh nghiệp T mới thành lập, cung cấp bột giặt ra thị trường. Tuy nhiên, bao bì sản phẩm của T lại nhìn rất giống so với bao bì của nhãn hàng bột giặt AbC đang nổi tiếng trên thị trường, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn sản phẩm của T là bột giặt AbC.

Thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

Bước 1: Nộp hồ sơ khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh.

Hồ sơ khiếu nại bao gồm:

  1. Đơn khiếu nại theo mẫu;
  2. Chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại có căn cứ và hợp pháp;
  3. Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc.

Bước 2: Thụ lý hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành kiểm tra tính đầy đủ và hợp pháp của hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh không có đủ các tài liệu nói trên, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo cho bên khiếu nại bổ sung trong thời hạn không quá 30 ngày; trong trường hợp đặc biệt, Cục Quản lý cạnh tranh có thể gia hạn 1 lần không quá 15 ngày theo đề nghị của bên khiếu nại.

Hồ sơ khiếu nại bị trả lại trong các trường hợp:

  • Hết thời hiệu khiếu nại;
  • Vụ việc không thuộc thẩm quyền điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh;
  • Bên khiếu nại không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu đúng thời hạn.

Nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Cục Quản lý cạnh tranh chỉ thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh sau khi nhận đươc biên lai nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh, trừ trường hợp bên khiếu nại được miễn nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Bước 3: Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh

  • Điều tra sơ bộ: Việc điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh được tiến hành theo quyết định của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh.
    • Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.
    • Căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ và kiến nghị của điều tra viên, Cục trưởng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có hành vi vi phạm.
  • Điều tra chính thức:
    • Cục trưởng ra quyết định điều tra chính thức nếu có kiến nghị của điều tra viên và kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có dấu hiệu vi phạm.
    • Thời hạn điều tra chính thức là 90 ngày, kể từ ngày có quyết định (có thể gia hạn thời hạn điều tra trường hợp cần thiết nhưng phải được Cục trưởng gia hạn và không quá 60 ngày)

Bước 4: Xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn không quá 90 ngày, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Các hình thức xử lý vi phạm:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền.
  • Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, bao gồm cả khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm.
  • Một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng:
    • Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường;
    • Buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua;
    • Buộc cải chính công khai;
    • Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh;
    • Buộc sử dụng hoặc bán lại các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã mua nhưng không sử dụng;
    • Buộc loại bỏ những biện pháp ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
    • Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở;
    • Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;
    • Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng đã thay đổi mà không có lý do chính đáng;
    • Buộc khôi phục lại hợp đồng đã hủy bỏ mà không có lý do chính đáng.

 

Trên đây là thông tin cung cấp cho Quý khách hàng và bạn đọc về Cạnh tranh không lành mạnh và quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, để được hỗ trợ tư vấn xử lý xâm phạm cũng như xác lập quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT ELITE LAW FIRM

Địa chỉ: 255 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Việt Nam

ĐT: (+84-24) 3 7373051 / 0988746527

Fax: (+84-24) 3 7373056

Email: info@lawfirmelite.com/vi

Website: www.lawfirmelite.com/vi

Y:   Youtube ELITE LAW FIRM 

FP:  Fanpage ELITE LAW FIRM

Bình luận bài viết

X
Contents